CHỮ TĨNH. ( 靜 )
Hình 01. Sa Môn Huyễn Hư. "Tĩnh tâm tức khởi thiền định". Mực nho trên giấy xín chỉ. Kích thước: 34cm x 88.5cm. Viết năm Đinh Sửu. ( 1937; 1877; 1817 chưa thể xác định ).
Sa môn Huyễn Hư tên là Văn huyễn Trần ?(1). Chưa rõ nguồn gốc của tác giả và ngài đã thọ pháp ở chùa nào!
Hình 02. Đinh Sửu. ( 1937 hay 1877? ). Quí Đông. Con dấu “ Huyễn Hư Sơn Nhân
”. Sa môn Huyễn Hư.
Đây là bức thư pháp đại tự viết theo thể hành thư khá đẹp do một nhà sư viết. Nếu sớm nhất cũng phải vào năm 1937 và có thể cũ hơn là vào năm 1877 hoặc lâu hơn nữa cũng chưa rõ (2). Phần lạc khoản đề: "Tạ thuần Nhân tiên sinh nhã chúc ". Con dấu đỏ bên cạnh là:
Như Ý.
Hình 03. Tạ thuần Nhân Tiên sinh nhã chúc và con dấu mang chữ Như ý.
Bức thư pháp này được bồi ở dạng có riềm và trục để treo theo lối truyền thống Trung Quốc. Nhìn bề ngoài khá cũ. Tạm thời lấy thời điểm gần nhất là 67 năm (1937-2014) và cũng có thể là 127 năm (1937 - 60 = 1877) (3) . Ta nên nhớ " xín chỉ " là loại giấy của Trung Quốc sản xuất có độ bền dai tốt. Giấy trắng mịn, không có tạp chất trên bề mặt. Nhưng nếu không được bảo quản kỹ, hoặc khi đem đi bồi, người thợ bồi tranh cho gia cố thêm vào lưng tác phẩm bằng những loại giấy kém chất lượng. Điều này cũng sẽ làm ảnh hưởng đến giấy "xín chỉ" gốc rất nhiều. Tờ giấy "xín chỉ" nền của bức thư pháp viết chữ "Tĩnh" này bị xuống cấp không phải do chất liệu bồi xấu. Vì thuộc thể loại tranh trục không có khung kính bảo vệ nên dễ bị tác động trực tiếp bởi khí hậu khô nóng của vùng nhiệt đới mỗi khi treo. Bức chữ này rất có thể đã ở một độ tuổi khá cao bời mặt giấy đã ngả sang màu ố vàng, giòn và nét mực két khô. Đôi chỗ giấy bị nứt ngang do việc cuộn vào mở ra nhiều lần.( Một yếu điểm của loại tranh trục làm cho giấy dễ bị gãy, rách ), cũng may là không ảnh hưởng gì nhiều đến tổng thể. Có lẽ do những vết nứt ngang này(4) mà người sở hữu trước sợ bị rách dài thêm ra nên đã đem dán đắp một lớp giấy dầu phía sau lưng rất cẩu thả không đúng kỹ thuật bồi tranh nên toàn thân mặt giấy bị biến dạng dúm dó trông rất thê thảm. Sau khi mua xong, thấy rằng nếu cứ để nguyên trang như vậy, về lâu về dài bức chữ bị ảnh hưởng sẽ xuống cấp trầm trọng thêm, nên đã quyết định tháo lớp giấy dầu đó ra. Sau khi tháo xong. Xét thấy không ảnh hưởng gì đến tổng thể nên vẫn giữ nguyên trạng. Mặc dầu không được phẳng cho lắm nhưng chấp nhận được. Muốn đẹp! Dứt khoát phải đem đi bồi lại.
Bức thư pháp của Sa môn Huyễn Hư có một bố cục rất thú vị. Chữ TĨNH được viết theo lối đại tự nét rất lớn, nằm ngay trung tâm chiếm 60% diện tích mặt giấy. Những chữ " Tâm tức khởi thiền định " (心即豈禅定) tác giả đã cố tình viết đặt lọt vào trong lòng chữ TĨNH. Hình ảnh này gợi cho ta thấy như trái tim nằm trong thân xác con người ( Tâm và Thân ).
Cái ý nghĩa. Nội tâm bất động mới tìm được sự yên lặng tuỵệt đối. Nhà sư đã khéo gói ghém ý niệm này thông qua cách bố cục những nét bút tượng hình phóng khoáng, mạnh mẽ đầy uy lực trên giấy của kỹ thuật thư pháp, dẫn dắt người thưởng ngoạn nhận thức được cái ý tưởng trầm lắng vô thể kia qua sự biểu hiện bằng sự vật hữu thể. Điều để ta phải lưu tâm. Nếu tác giả viết năm chữ " Tâm tức khởi thiền định " nằm bên ngoài chữ Tĩnh thì nó sẽ bị mất đi cái tính ẩn dụ của tâm và thân. Mất đi cái tính cao diệu, tuyệt vời của nó. Lúc đó nó sẽ trở thành bình thường như các bức đại tự cùng viết chữ TĨNH khác. Cũng như. Nếu ta chỉ đọc riêng biệt hàng chữ nhỏ chú bên trong. " Tâm tức khởi thiền định ". Sẽ thấy như thiếu một cái gì đó không trọn vẹn. Nhưng nếu ta đọc luôn cả chữ TĨNH lớn bên ngoài thành câu: " Tĩnh tâm tức khởi thiền định " nó sẽ mang một ý nghĩa khác đi rất nhiều. Chính điểm bố cục vượt thoát đầy sáng tạo này nó đã cho ta một khái niệm tâm và thân cao siêu, đa dạng của đạo Thiền. Dùng cái động. Hành cử của thân xác thông qua bút mực để định hình cho chữ tĩnh. Rồi mượn hình thể của chữ tĩnh để chuyển tải ý tưởng sâu lắng nội tâm. Một chữ với nét bút rất động đầy nội lực và công phu tương phản với ý nghĩa cái tĩnh thiền định của người xuất gia rất đáng chiêm nghiệm.
Xét về nét bút phần lạc khoản rất đẹp và hoạt. Riêng chữ TĨNH. Với những nét to, chắc, khỏe, nhanh mạnh lướt trên mặt giấy để lại những nét du ty ở phần cuối trước khi ngưng bút trông rất sinh động.
Trong thú chơi chữ mang tính biểu tượng như: Phúc, Tâm, Tĩnh , Thọ, Nhẫn..v.v..tùy theo chữ nó sẽ mang đến cho chủ nhân một ý niệm tốt đẹp mong được thích ứng vào cuộc sống. Có nghĩa là thiếu gì cầu nấy hay cầu xin thứ gì thì thể hiện điều ấy ra. Chính thế mà cũng phải nên cẩn trọng khi treo chữ trong nhà. Không khéo có người xấu mồm bảo rằng ta thiếu những thứ đó. Nghĩ kỹ...quả thật là tai hại (5). Theo tôi chữ Tĩnh này rất đáng treo. Nó đem cái tĩnh cho tâm hồn chế ngự cái động của thân và đời.
Cauminhngoc
20/02/ 2014
(1) Thông tin của bạn Kim chung Lưu, người đã nhượng lại bức thư pháp. Và anh cho rằng bức thư pháp này viết vào năm 1937. Nhưng xét về màu và độ giòn của giấy có thể bức này viết vào năm 1877 hoặc xa hơn nữa ...?
(2) Năm Đinh Sửu rơi vào những năm như sau: 1997; 1937; 1877; 1817... theo lục thập khoa giáp. Cứ 60 năm lại trùng lắp một lần.
(3)Vì không nắm được thời gian sống của tác giả nên chỉ còn cách dựa vào những gì thể hiện trên bức thư pháp mà truy nguyên và lý do cho là bức thư pháp này có thể viết vào thời điểm năm 1877 vì dạng tự của chữ ở phần lạc khoản có phần giống với phong cách chữ viết ở thời Minh Mạng như minh họa dưới đây:
Phong cách chữ viết thời Minh Mạng Tam niên và nét chữ trong phần lạc khoản trên bức thư pháp.
Phong cách chữ viết thời Gia Long Nhị Niên (1803).
( Dựa theo phong cách chữ viết trên văn bản thời Minh Mạng và Gia Long thì bức thư pháp chữ "Tĩnh" này có thể lên tới năm 1877).
Phần lạc khoản của bức thư Pháp " Tĩnh tâm tức khởi thiền định "... Nét có phần tròn trịa gần với giai đoạn Thiệu Trị hơn là Gia Long...
Phong cách chữ viết thời Tự Đức
(4) Xin quan sát nơi mặt giấy sẽ nhận thấy hiện trạng.
(5) Nhất là khi treo trong nhà những chữ như: " Phước "( 福 ); " Đức "( 德 ); " Tâm "( 心 ). Có người nhìn thấy sẽ cho rằng ta thiếu những thứ này thì... chết thật... chứ không chơi!
Xin tác giả gửi cho Chữ Tĩnh (không có tên Khau Minh Ngoc) trên chữ. Xin cảm ơn nhiều.
Trả lờiXóa(Email phamchicongvpcp@gmail.com