“Khi
viên đạn xuyên vào một người lính dù thuộc về bên nào đi nữa, thực ra nó đã
xuyên vào trái tim một người mẹ”.
(Abraham
Lincoln. Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ).
NGÀY 28 THÁNG 01 NĂM 1973.
HIỆP ĐỊNH HÒA BÌNH TẠI VIỆT NAM
CÓ HIỆU LỰC.
Ngày 25 tháng 01 năm 1973.
Đại Đội.3/3 của chúng tôi đang hoạt động trong khu vực tứ giác lòng chảo dưới chân núi Thế Đại, Thông Cùng, Động Ngang và Hồn Vượn. Sát vùng động tranh đầu nguồn rào Bình Điền thì được lệnh rời bỏ vị trí hiện hữu kéo về nằm án ngữ ở dãy đồi trọc Núi Bàn ở mạn Nam sông Bồ để bảo vệ vùng đồng bằng cận sơn quận Hương Trà (Xem Bàn đồ Số. 01). Còn riêng các Đại Đội khác vẫn giữ nguyên vị trí trong vùng hoạt động của mình như: phía Bắc căn cứ T-Bone; chung quanh căn cứ Tiger và căn cứ Lion. Nghiêm cấm không được mở các cuộc hành quân dã ngoại lùng sục, phải tuân theo Hiệp Định Đình Chiến ký tại Paris. Ngày 27 tháng 01 năm 1973. Có nghĩa ai đang ở đâu thì phải giữ nguyên trạng ở đó. Không được gây sự, dùng vũ lực xâm lấn vào vùng đất hiện hữu của đối phương. Giống như da beo.
Bản đồ số 01. Vùng tứ giác dưới chân núi Thế Đại, Thông Cùng, Hồn Vượn và Động Ngang.
(Bản đồ Ấp Lai Bằng. Sheet 6441 – I)
Dải đồi trọc Núi Bàn cao không quá 100m so
với mực nước biển. Một nhánh của ngọn núi Thế Đại đổ về phía Tây-Bắc, giống như một con đê nằm chắn ngang giữa vùng đồng bằng cận sơn quận Hưởng Trà với vùng rừng núi quận Nam Hòa. Vì là vùng giáp
ranh hẻo lánh nên khu vực này trở thành mảnh đất màu mỡ cho đối phương tận dụng để hoạt động. Vấn đề an ninh cũng không mấy gì đảm bảo. Do đó mỗi khi được về nghỉ dưỡng quân các Tiểu Đoàn luôn điều một Đại Đội về vùng núi Bàn này để ngăn chặn, trấn áp những hoạt động cùng đường dây tiếp tế của du kích quận Hương
Trà với vùng mật khu ở vùng thượng nguồn sông Bồ.
Hướng Bắc núi Bàn. Ngoài ấp Lai Bằng nằm cặp theo con sông Bồ đổ về xuôi ra còn có cánh đồng nằm về phía Đông ấp Lai Bằng. Áng chừng hơn chục cây số vuông, trổ dài đến tận con đường đất đỏ liên thông giữa căn cứ T-Bone và QL.1. Giáp giới với thôn Thượng và An Đô ở bên kia con đường. Đây là một vùng đất rộng lớn khô cằn bị bỏ phế vì chiến tranh, nhưng vẫn còn dấu vết mờ nhạt các bờ bao phân ô ngang dọc của những thửa ruộng đã qua một thời canh tác... Thấp thoáng trong đó còn có những rãnh thông thủy từ trên núi Bàn đổ xuống tạo thành những khe lạch, vụng đầm nổi bật giữa vùng đồng không mông quạnh với những cụm lau sậy rất rậm rạp mọc cặp theo bờ thành từng mảng, chuỗi dài ngoằn ngoèo. Về mùa mưa lượng nước từ trên cao đổ xuống phủ lênh láng cả một vùng cận sơn rộng lớn. Về mùa hè khí tiết nóng bức khiến cho cánh đồng trở nên khô cằn héo úa vì nắng lửa... Đồng thời cũng làm cho các vụng đầm, khe lạch bị khô kiệt cạn nước, đến mức phơi cả lớp bùn nhão nhoẹt với bề mặt nứt nẻ loang lổ bạc phếch. Nếu vô tình đi vào có chỗ lún đến tận đầu gối chân, rất nguy hiểm cho việc đi lại trên cánh đồng hoang dã này...
Không chỉ thế! Ở trong khu
vực cận sơn hoang tàn chó ăn đá gà ăn muối, chẳng có lấy một bóng cây này. Lại
có những con đường mòn chạy ngang dọc kết nối với nhau khá phức tạp. Đặc biệt là
con đường đất đỏ khá lớn mang số hiệu 598 (Xem Bản đồ số 01). Chạy suốt từ cuối
Ấp Lai Bằng vắt về hướng Đông dưới chân dãy Hòn Vượn rồi tẻ về một số vùng
khác ở chung quanh.
Cũng xuất phát từ con đường 598 có trổ thêm một
con đường về hướng Nam ôm dưới chân dải Thế Đại. Đến lưng chừng thì một nhánh tẻ
ra lên Núi Bàn và nhánh kia đổ về ấp Lai Bằng. Nhưng do chiến tranh nên những
con đường này rất ít sử dụng. Thỉnh thoảng, mới thấy những chiếc xe GMC của
quân đội chuyển quân đến rồi lại đi mất mà thôi!
Có thể nói. Đây là một vùng đồi trụi lủi khô cằn cận đồng bằng rất thông thoáng nhưng ẩn chứa đầy nguy hiểm vì mìn bẫy do quân du kích lén lút cài đặt. Chuyện này đã gây thương vong không ít đến những người lính trong các đơn vị được điều về án ngữ ở đây bất cẩn, vô tình dẵm phải. Nhẹ thì cụt chân. Nặng thì hai năm mươi, ngồi ngắm gà khỏa thân một mình!?
Ngày 27/01/1973.
Đại Đội rời khỏi khu vực hành quân trong lòng tứ giác Thế Đại, Thông Cùng, Động Ngang và Hồn Vượn ngay sau khi ăn xong bữa cơm sáng. Chúng tôi gần như di chuyển liên tục. Sau gần bốn tiếng đồng hồ di chuyển băng rừng lội suối, mãi đến quá trưa chúng tôi mới chạm đến được dải núi Bàn. Người ướt đẫm mồ hôi. Không kịp nghỉ ngơi, Đại Đội chỉ định cho tôi dẫn Trung đội.1 và Trung Đội.2, dựa theo đỉnh tiến về hướng Tây, nhanh chóng bố trí quân chiếm đóng một số đỉnh đồi quan trọng trên dải núi Bàn, để gìn giữ cũng như chứng minh chủ quyền trên vùng đất đang được mình quản lý trước giờ phút trọng đại. Do địa hình núi trọc trống trải dễ bị phát lộ nên tôi cho hai Trung Đội phân tán mỏng, tuột xuống lưng triền đồi rúc vào các rãnh thông thủy hoặc chỗ có nhiều bụi sim hoang rậm rạp để tránh cái nắng đổ lửa của buổi trưa đang dập xuống vừa che dấu cho đơn vị. Đợi đến lúc trời chập choạng tối, tầm nhìn kém chúng tôi mới kéo nhau lên dựng lều, đào hố cá nhân tạo tuyến phòng thủ qua đêm. Không để đối phương nắm bắt được gì về lực lượng trú đóng trên dải đồi.
*
Mặt trời đã ngã sâu về Tây khuất sau dãy núi ông Đôn. Bầu trời bãng lãng những tia nắng yếu ớt, cảnh vật cũng vì thế mà nhạt nhòa, đan lẫn vào nhau không còn rõ nét. Thỉnh thoảng có những cơn gió nhẹ kéo về góp phần vào chuyện làm dịu bớt sự oi ả hanh nóng của bầu không khí sau một ngày cầm nã trên dãy đồi trọc khô khan này. Tôi nhìn hai Trung Đội lần lượt tiến vào vị trí đã được chỉ định để đào hầm hố, tạo tuyến phòng thủ qua đêm như thường lệ.
Sau khi đi rẻo một vòng quan sát, kiểm tra việc làm tuyến phòng thủ của hai Trung Đội. Tôi quay trở về phòng tuyến của Trung Đội.2. Nhìn Đặng truyền tin đang trần mình hì hục đào hố cá nhân cho hai thày trò bên cạnh bụi sim hoang khá lớn. Tôi trút sợi ba chạc có đính khẩu colt.45 nặng nề ra khỏi đôi vai vắt lên bụi sim. Giơ tay gỡ cái nón sắt xuống, lật nghiêng làm ghế vì không muốn ngồi bệt xuống đất, phóng tầm mắt về phía QL.1 và hai quận sát biển Đông là Phú Vang và Phú Thứ mờ nhạt xa tít tắp. Những cánh đồng cùng thôn làng như nén lại, ken nhau thành những vạch nằm ngang xẫm nhạt ngắn dài dưới bầu trời chạng vạng huyền ảo (Xem Bản đồ 02). Trong lòng bâng khuâng nghĩ đến giây phút đình chiến mà phấn chấn trong lòng. Sắp hòa bình rồi! Một luồng sảng khoái chạy khắp châu thân... Ôi! Hạnh phúc làm sao cho những khoảnh khắc đợi chờ sự bình an đến với bản thân và mọi người sắp trở thành sự thật...
*
Đã 19h tối. Vòm trời Hạ tuần trong suốt cao vời vợi thấp thoáng ánh sao. Dải đồi trọc trống vắng hiu hắt chìm vào trong màn tối lờ mờ. Những bụi sim hoang bỗng chốc trở thành từng đụn, từng cụm đen xì bò lổn ngổn khắp nơi trên ngọn đồi đan xen với những mái poncho lúp súp gần sát mặt đất, phập phồng mỗi khi có luồng gió đi qua. Cả dải núi nổi bật giữa vùng không gian u tịch heo hút nơi vùng thâm sơn cùng cốc đầy đe dọa. Tít xa phía đồng bằng ánh đèn điện cũng đã được thắp lên từng cụm loang lổ trải dài cặp theo QL.1 như những chòm sao trời.
Mọi người hầu như đã chui hết vào lều, trừ những ai đang ở phiên trực gác. Ở đây tất cả đều nằm đất... không ai dám dựng lều mắc võng như những lúc nằm trong rừng rậm (1). Một phần rất khó khăn cho việc tìm được cây cối để dựng lều. Một phần do địa hình trống trải nên việc nằm dưới đất vẫn là biện pháp an toàn nhất... đề phòng được chuyện bị bắn tỉa hay dùng B.40 tập kích bất ngờ... Và vọng gác ở khu vực đồi trọc cũng luôn được đặt khá xa phòng thuyến chứ không đặt gần như ở trong những khu rừng rậm. Tận dụng sự thông thoáng, có tầm quan sát xa và rộng, dễ phát hiện ra những chuyển động nếu có xảy ra chung quanh. Thực ra thì chuyện canh gác phòng thủ cẩn mật là chuyện đương nhiên như cơm bữa của chiến binh, không thể sao nhãng cho dù bất cứ ở nơi đâu vì nó giúp cho sự tồn tại của cả đơn vị và mạng sống của những người lính trận nói riêng.
19h tối. Cũng là thời điểm bước vào phiên gác đầu tiên trong một đêm. Khởi nguồn mạch bảo vệ, giữ gìn an ninh cho toàn đơn vị. Nhưng đêm với nay nó hoàn toàn khác hẳn với mọi đêm đã qua. Nó là một đêm đặc biệt, được xem là thời khắc chuyển biến của lịch sử. Quãng lặng giao thoa giữa sự sống và cái chết của những người lính ngoài mặt trận. Quãng đợi chờ trong bản giao hưởng hòa bình hằng mong sẽ không còn tiếng rền của đạn bom. Sẽ được trút bỏ đi bộ quần áo treillis dày quỵch nặng nề, xa rời khẩu súng để trở về làm một người dân bình thường sống hạnh phúc trên miền đất hiền hòa cùng với gia đình thân thương. Ôi! Đêm 27 rạng 28 Tháng 01 năm 1973. Một đêm dài đợi chờ đầy mơ ước mà cũng không thiếu phần lo lắng.
*
Nằm trằn trọc mãi, cố vỗ về giấc ngủ nhưng đôi mắt vẫn ráo hoảnh. Tôi giơ tay nhìn đồng hồ. Đã hơn 21h tối. Trước mắt! Còn đến những hơn 10 tiếng đồng hồ nữa. Có nghĩa là cần phải đợi chở cho đến đúng vào 8h sáng mai ngày 28/01/1973. câu chuyện nghiệt ngã mới kết thúc. Thực tế thời gian đợi chờ vẫn đang còn dài, thừa sức mang đến những đau thương chết chóc ở bất cứ thời điểm nào mà nó còn tồn tại trong đêm. Với bản năng sinh tồn. Mọi người trong đơn vị không ngớt nhắc nhở nhau cảnh giác. Nhất là những người vào phiên trực gác cố gắng căng mắt ra để quan sát, bảo vệ phòng tuyến, giữ gìn mạng sống. Tránh chuyện bị đánh úp mất mạng vô duyên trước giờ đình chiến toàn cõi.
Bản đồ số 02. Một số quận lỵ Tỉnh Thừa Thiên.
(Nguồn:Flickr)
*
Thời gian vẫn cứ thong thả trôi qua! Tôi nằm thao thức trong vòm lều om
tối. Văng vẳng bên tai những cung bậc rả rích trầm bổng, nhặt khoan của côn
trùng như đang tấu lên bản dạ khúc não nề giữa đất trời u tịch. Tôi
cứ ngỡ sẽ được lặn hụp cùng những phút giây thăng hoa tràn trề niềm mơ và hy vọng
để đón chờ giây phút hòa bình sắp đến. Không ngờ! chính nó lại đong đầy những
trăn trở, lo âu khắc khoải đè nặng trong tâm hồn. Càng nghĩ càng thấy nặng nề
không thể dứt bỏ. Mặc dù biết rằng sự chuyển dịch của cây kim đồng hồ chỉ thời
gian là bất biến. Không thể thay đổi theo sự ước nguyện của bất cứ một ai.
Nhưng trong tâm khảm tôi vẫn mong muốn nó đi nhanh hơn, để rút ngắn sự đợi
chờ trong đêm cuối cùng. Niềm mơ và hy vọng vẫn còn ở phía trước.
Nào có một ai biết được điều gì sẽ xảy đến trong phút giây chờ đợi này! Tất cả
chỉ biết cầu nguyện và mong sao đừng có chuyện gì xảy ra để được sống, để được hít thở bầu không khí yên bình. Xa rời vĩnh viễn cuộc chiến đầy máu và nước mắt
đã kéo dài đằng đẵng suốt hai thập kỷ vừa qua trên rẻo đất bất hạnh này.
Phiên gác thứ ba cũng đã đổi được một lúc... Thỉnh thoảng những cơn gió đêm kéo về mang theo cái lạnh của núi rừng ập vào căn lều trống trải, càng khiến cho thân thể co dúm, cuộn mình chịu đựng trong tấm chăn poncholine không đủ ấm.
Tôi giơ tay nhìn đồng hồ. Đã hơn 01 giờ đêm rồi mà vẫn chưa
thể ngủ được! Còn đến tận bảy tiếng đồng hồ nữa... Sao mà lâu thế! Tôi ngẩng mặt
nhìn lên nóc lều poncho đen kít, muốn chạm cả vào mặt trong màn đêm mà đầy ắp sự
trăn trở. Trong đầu lại miên man suy nghĩ đến những phút giây không còn phải
băng rừng vượt đèo lội suối dưới bầu không khí oi bức nóng hực cùng cơn khát
cháy cổ, hay lặn lội dưới cơn mưa rừng tầm tã với cái bao thử lép kẹp trong những
cánh rừng già, non nhiệt đới đầy những cạm bẫy của thiên nhiên cùng sự nguy hiểm,
đau thương chết chóc từ những con người vô danh, không hận thù mang đến cho
nhau! Thật sung sướng khi không còn phải va chạm với nỗi chết ấy. Không còn thấy những
cảnh bom rơi đạn lạc, thịt nát xương tan của những người đồng đội. Không còn những
tiếng khóc của người mẹ mất con, người vợ mất chồng. Không còn cảnh những đứa
trẻ mồ côi cha... mà lòng thấy nhẹ nhõm chi lạ. Tôi mong cho thời gian qua
nhanh, trời mau sáng để chính thức được chạm mặt với giây phút đình chiến thần
thoại hằng mơ ước trong lòng.
Tôi nhắm mắt cố gạt đi mọi suy nghĩ lởn vởn trong đầu để vỗ về giấc ngủ. Nhưng đôi mắt vẫn ráo hoảnh, đầu óc tỉnh queo, không sao chợp mắt được. Chung quanh, thỉnh thoảng vọng đến những tiếng lục đục, phảng phất mùi thuốc lá trong không khí. Có lẽ mọi người cũng đang trằn trọc như tôi, chưa ai ngủ được.
Ôi! không còn bao lâu nữa niềm hạnh phúc sẽ tràn ngập trên miền đất đã vướng phải cuộc chiến “Nhân Danh” suốt cả một thời gian dài đằng đẵng đến tận 20 năm trời. Mong rằng hòa bình sẽ xóa đi mọi nỗi đau thương chết chóc do con người mang đến cho nhau.
Như tôi được biết. Thời điểm có hiệu lực được quy định do hai bên cam kết trên bản Hiệp Định Đình Chiến.
* 7h sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973 cho phe miền Bắc.* 8h sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973 cho phía miền Nam. (2)
Họa sĩ Tú Duyên. Bà và
cháu. Màu nước/lụa. Vẽ năm 1974. Chữ ký nơi góc phải dưới. (Tranh thuộc sở hữu của người viết)
Ánh mắt đăm chiêu của người bà và cái nhìn
vô tư đứa cháu. Họa sĩ Tú Duyên đã lột tả được hết tâm trạng của hai thế hệ già và non nớt trong thời chiến vào trong tác phẩm của mình...
Ngày 28/01/1973.
Tôi bị đánh thức dậy bởi những tiếng động quen thuộc hàng ngày vào mỗi buổi sớm mai do đồng đội mang lại. Đồng hỗ cho thấy đã hơn 6h sáng. Như vậy là tôi đã ngủ thiếp đi lúc nào không rõ. Tôi lăn mình lồm cồm ngồi dậy, đôi tay đè lên thảm cỏ dại còn ướt mát sương đêm, rướn người chui ra khỏi mái poncho lụp sụp. Mọi người trong đơn vị cũng đang lục đục tháo dỡ lều, chuẩn bị tụt xuống triền núi kiếm chỗ nghỉ ngơi và chuẩn bị cho bữa sáng. Tôi lặng lẽ đứng trên đỉnh đồi, vươn vai hít thở bầu không khí trong lành, dưới bầu trời rực rỡ tràn đầy áng sáng dịu ấm ban mai, điểm xuyết bằng những tiếng đạn pháo quen thuộc từ xa xa vọng lại.
Thời gian vẫn lặng lẽ trôi. Đã hơn 7h sáng!
Tiếng sôi xèo xèo phát ra từ chiếc máy PRC.25 để bên cạnh không phút ngừng nghỉ nổi bật giữa những âm thanh sinh hoạt của mọi người chung quanh gây ra vẫn không thể lấn át được tiếng pháo depart từ Pháo đội 14 ở căn cứ Sally bắn đi đâu đó vọng lại. Đến lúc này tôi mới quan tâm đến những cột khói mờ nhạt của đám cháy do chiến sự gây lên ở vùng quận Phong Điền và Hương Trà, khác hẳn không khí thanh bình yên ả vốn có đã từ bấy lâu nay mà tôi thường thấy mỗi khi có dịp đóng quân ở khu vực Núi Bàn này.
Không thể hiểu nổi chuyện gì xảy ra dưới đó. Mà lại ở ngay vùng đồng bằng do mình kiểm soát nữa mới chết chứ... thật là lạ! Mẹ kiếp! đến tận giờ phút này mà vẫn còn chọi nhau được sao?... Tôi buột miệng chửi thề vì suy nghĩ ngao ngán...
Chiến sự đang xảy ra trước mắt. Cách thời
điểm mong đợi của biết bao nhiêu con người chẳng còn là bao lâu. Điều này khiến
tôi nhớ lại những lời kể của các bậc cha chú về chuyện vi phạm Hiệp định mà hai
bên đã ký kết với nhau. Chỉ với mục đích giành lấy phần lợi cho phe mình trước
giờ đình chiến. Vụ việc đã từng xảy ra trong lịch sử đất nước, gây lên biết bao
chuyện tang thương đau xót... Rồi tôi tự an ủi lấy mình! Mới có hơn 7h sáng của phe
ta. Còn của đối phương chỉ mới có 6h sáng thôi! Phải đúng 8h sáng miền Nam! Hiệp
Định đình chiến có hiệu lực... khi đó mới ngưng bắn hòa toàn... Phải biết chờ đợi
thôi...!
*
Thế rồi! 8g30... Quá giờ quy định đình
chiến đã hơn nửa tiếng mà ở phía quận Hương Trà vẫn còn đì đùng tiếng súng...
Sao vậy!?
Đã hơn 9 giờ... chiến sự vẫn đang tiếp
diễn không ngừng nghỉ!?
Tôi có để ý suốt từ 8h sáng. Thời gian đình chiến có hiệu lực đến giờ. Có lúc tiếng đạn pháo đang cấp tập bỗng dưng tắt ngúm đột ngột... Lúc đó lòng mừng rỡ! Cứ tưởng thời khắc hòa bình đã đến! Nhưng chẳng được bao lâu tiếng súng lại vang lên còn dữ dội hơn trước... Sau khi theo dõi qua máy bộ đàm tôi mới biết rõ sự việc! Sở dĩ có chuyện ngưng tiếng súng là do Phái đoàn Kiểm Soát Đình Chiến đóng ở Huế chạy đến vùng đang xảy ra chiến sự để xem xét sự việc. Khi có sự hiện diện của phái đoàn Kiểm Soát Đình Chiến. Hai bên đều tạm ngưng bắn!? Có lẽ bên nào cũng muốn chứng tỏ mình ngoan hiền tôn trọng Hiệp Định. Chỉ có bên kia ác ôn mới vi phạm giành dân lấn đất mà thôi! Tại nó cả! em vô can... Chả ai chịu nhận làm cha thằng ăn cướp cả (3).
Chúng tôi nhìn về phía đồng bằng đang xảy ra chiến sự mà trong lòng buồn rười rượi và đầy lo âu...
Đến khoảng hơn 9h 30 sáng, Đặng truyền tin nghe máy xong nói với tôi cầm bản đồ lên gặp Đại Đội Trưởng. Khi gặp nhau. Trước mặt các Trung Đội Trưởng. Tr/úy Hổ cho biết tình hình chung là đối phương đã về cắm cờ ở trong ấp Lai Bằng trong đêm. Tiểu Đoàn ra lệnh cho Đại Đội rời núi Bàn đi xuống con đường 598 dưới đồng bằng để phối hợp cùng với thiết giáp đang chờ sẵn. Từ nơi này Đại Đội sẽ hợp đồng tác chiến cùng thiết giáp, tiến theo trục đường 598 vào ấp Lai Bằng. Áp sát từ hướng Đông hỗ trợ cho Tiểu đoàn.1/3 cũng đang mở mũi hành quân thọc sâu vào mạn Bắc ấp Lai Bằng từ phía QL.1. Như vậy là Trung Đoàn.3/1 đã cho mở hai mũi giáp công cấp Tiểu Đoàn để lấy lại vùng đất được xem là chịu sự quản lý của VNCH từ bao lâu nay bằng mọi giá. (Xem Bản đồ số.3).
Phải nói rõ. Ấp Lai Bằng là vùng đất nằm dưới sự kiểm soát hợp pháp của chính quyền miền Nam Việt Nam từ trước tới giờ. Không thể trở thành vùng đất của đối phương chỉ vì có duy nhất mỗi lá cờ mới được lẻn về cắm trong đêm hôm qua. Một điều vô lý. Một sự vi phạm trắng trợn. Không thể chấp nhận được. Do đó mà Tiểu đoàn.1/3 và 3/3 được lệnh phải tiến vào nhổ cho bằng được cây cờ đó... để giành lại chủ quyền về cho mình là điều tất yếu.
Sau khi nghe tôi truyền lệnh hành quân. Nỗi thất vọng hiện rõ trên đôi mắt mọi người... Niềm hy vọng vào ngày đình chiến tan vỡ nhanh chóng như cái bong bóng xì hơi. Toàn bộ Đại Đội chuẩn bị gọn gàng tuột khỏi dãy núi Bàn để xuống gặp nhóm Thiết vận xa M.113 đang chờ sẵn ở con đường 598.
Bản đồ số 03. Chuyện xả ra ngay buổi sáng.
Ngày 28/01/1973
Khi vào tuyến xuất phát, mọi người được lệnh
trang bị gọn nhẹ chỉ mang theo đủ cấp số đạn tác chiến, tránh chuyện mang vác nặng
nề vướng víu khó xoay trở. Tất cả hành trang cá nhân đều được để gọn vào một chỗ
rồi cử người ở lại canh giữ theo từng đơn vị.
Tôi kiêm nhiệm thêm chức danh Đại Đội Phó và được Đại Đội
giao cho nhiệm vụ dẫn 2 Trung Đội đi tiên phong đánh chiếm mục tiêu. Mé bên
trái là Tr/đội 1. Bên phải là Tr/đội.2. Cả hai bắt tay nhau dàn thành hàng
ngang. Lấy con đường đất đỏ mang số hiệu 598 chạy thẳng vào phần gần đuôi Ấp
Lai Bằng làm trục chính. Nối theo phía sau lưng hai Trung Đội.1 và 2 khoảng chừng
50 mét là hai Trung Đội còn lại cũng với đội hình hàng ngang tháp tùng cùng bộ
sậu BCH Đại Đội.3/3. Sau rốt là 8 chiếc thiết giáp M.113 cũng căng ngang chạy
áp sát nối theo. Tất cả đều thận trong tiến vào từ từ (Xem bản đồ số 03).
Chúng tôi đang trên đường tiến tới mục tiêu, Đại Đội gọi máy thông báo cho biết tình hình chung là Tiểu Đoàn.1/3 đã từ mé QL.1 đang áp sát vào mạn Bắc Ấp Lai Bằng. Đến khoảng chừng 15 phút sau Đại Đội gọi điện nói Tiểu Đoàn.1/3 hiện đang lấn sâu vào phía trong, gần giữa làng mà chưa gặp phản ứng gì của đối phương. Đồng thời Đại Đội thúc tôi cho con cái đi nhanh lên và nhắc lại lời nói của Tiểu Đoàn.1. Là chúng tôi và thiết giáp cứ đi thẳng hết con lộ đất đỏ 598. Khi chạm đến lũy tre bìa làng, quẹo phải chừng 200m sẽ găp họ ở đó... Điều này đã khiến cho chúng tôi có phần chủ quan khinh địch...
*
Cả Đại Đội vẫn tiếp tục dịch chuyển với
đội hình hàng ngang băng qua từng rẻo đất mấp mô từ từ tiến về hướng mục tiêu
cùng tám chiếc M.113 theo sau không ngớt gầm rú vang dậy cả cánh đồng.
Xe thiết giáp M.113. (Nguồn:
Battlecry)
Khi cách vuông rào tre Ấp Lai Bằng khoảng chừng chưa tới 200 mét. Hai Trung Đội dẫn đầu gặp phải một con rạch tương đối lớn từ trên núi Bàn đổ xuống chạy vắt qua cánh đồng và con đường 598. Do là mùa khô hanh nên con rạch đã bị kiệt nước nổi váng bùn đặc quánh nứt nẻ, lầy lội nằm chắn ngang không thể vượt qua... Cả hai cánh đang di chuyển phải khựng lại, dồn cục chuyển hướng đi ép vào con đường 598, nơi có một cái cầu đất duy nhất được lắp ghép bằng những mảnh cover gân bằng thép, úp lên giòng chảy rồi lấp đất lên, do quân đội Mỹ thực hiện để lấy lối đi sang phía bên kia.
Những tấm cover gân thép,
hình bán nguyệt dùng làm nắp hầm, cầu cống dã chiến....
Do gặp phải tình huống bất ngờ. Đang từ hàng
ngang chuyển thành hành dọc nên đã dẫn đến chuyện đội hình bị rối loạn dồn ứ vì
mọi người phải chờ nhau tuần tự vượt qua cây cầu. Chuyện ách tắc này vô tình đã
đưa đến một tình huống cực kỳ nguy hiểm cho BCH. Đại Đội và tôi mà không hề hay
biết.
Khởi đầu, khi hai Trung Đội dàn hàng ngang
thì tôi đi sau lưng chừng ba, bốn người, tiếp theo ngay là BCH. Đại Đội. Nay hai cánh bị khựng lại không thể tiến lên được đã đẩy
tôi và Ban Chỉ Huy Đại Đội rơi vào thế chẳng đặng đừng. Vẫn phải tiếp tục di
chuyển không thể dừng lại giữa đường. Cũng một phần ỷ lại là phía trước đã có Tiểu
Đoàn.1 đang ở trong làng nên chúng tôi sẵn đà mạnh dạn tiến tới luôn không một
chút e dè đề phòng gì. Sự ngon trớn đầy chủ quan này đẩy tôi và cả BCH. Đại Đội
trở thành nhóm người tiên phong với một hàng dọc khơi khơi đi vượt qua cây cầu,
trước mặt chỉ có dăm bảy người lính mà không có một lực lượng nào đi kèm yểm trợ
cho hai bên cánh. Một bầy ăng-ten lá lúa phất phới. Gồm 05 cái máy PRC.25 của Đại
đội. Một cái của Tiền sát viên pháo binh và một cái của Thiết Giáp, vị chi là 7 cái máy tụm
vô một chỗ, phơi phới trên con đường đất đỏ to đùng thênh thang giữa thanh
thiên bạch nhật... cứ như là cuộc dạo chơi an nhàn trên đường làng trống trải
thời thanh bình vậy.
*
Phục kích. (Nguồn: Battlecty)
Súng
B.40 & B.41. (Nguồn Dân Việt)
Bất thình lình một tiếng nổ cực lớn kèm
theo một băng AK giòn giã phát nguồn từ phía bụi tre bìa làng, ngay bên góc phải con đường
598 ập đến. Trong tích tắc. Mắt tôi nhoáng thấy bùng lên một đụn khói trắng
toát, cùng một vật đen thui như cục gạch lao vút tới với siêu tốc... Một lực vô
hình nào đó không rõ từ đâu cực kỳ nhanh, đã hất văng tôi lọt thõm xuống ngay
rãnh ruộng bên lề, thấp hơn mặt đường cả thước (4).
Tôi
nằm xấp trên nền đất khô cằn nham nhở gồ ghề của rãnh ruộng. Trong đầu hoàn
toàn trắng xóa, không có một suy nghĩ gì. Trong khi hai lỗ tai lùng bùng vì những
tiếng nổ liên hồi kỳ tận từ những khẩu Đại liên. 30ly, 50ly và cả súng 75 ly
không giật đặt trên các chiếc thiết giáp M.113 đang thi nhau khạc lửa. Những lằn
đạn xé gió bay tới tấp về phía bụi tre, nơi phát
ra đụn khói trắng. Thỉnh thoảng lại điểm xuyết bằng một quả 106 ly không giật tống
vào hàng tre bìa làng làm bật gốc cả từng cụm một. Tôi co duỗi tay chân, vặn mình
xem có bị thương tích gì không. May quá hoàn toàn vô sự, tay giữ chặt cái nón sắt
nghếch đầu dòm về phía rặng tre đang bị hỏa lực khủng khiếp từ 08 chiếc M.113
thi nhau quần thảo không chút thương tiếc. Trước mắt hình ảnh những bờ đất bị hất
tung lên từng mảng, kéo theo hàng loạt thân cành cây tre gãy rụng bay lã chã lẫn
trong bụi mù. Bầu không khí nồng nặc mùi thuốc đạn lan tỏa đến tận chỗ tôi nằm...
Súng 75mm không giật.
(Nguồn: SOHA)
Cuộc trút đạn thù kéo dài đến cả 15, 20
phút mới tạm dừng. Đại Đội gọi điện ra lệnh cho tôi kiểm soát tình hình và số thương
vong ở các Trung Đội rồi báo về cho họ. Sau khi sắp xếp chỉnh đốn lại đội
ngũ xong. Tôi được lệnh cho hai Trung Đội tiếp tục dàn hàng ngang thận trọng tiến
vào mục tiêu...
Khi cách vuông rào tre chừng 20 mét. Chúng tôi đồng loạt ào tới, gần như chạy lúp súp dưới sự yểm trợ của thiết giáp và xe tăng theo sau mà không thấy đối phương từ trong ngôi làng bắn ra nữa. Hai Trung Đội lẹ làng vượt qua lũy tre bờ hào, lọt vào bên trong chiếm lấy một số vị trí bờ bụi quanh khu vườn, mở rộng sự kiểm soát vào mấy ngôi nhà bỏ trống... Tôi tạm cho hai Trung Đội dừng lại bố trí làm đầu cầu, không dám tiến sâu hơn vì sợ trống lưng nguy hiểm và báo về cho Đại Đội.
Xốc tới.... (Nguồn: Google)
Cả Đại Đội tràn ngập và chiếm được ngôi
làng rất nhanh... và cho bung rộng ra lục soát từng căn nhà, đụn rơm và từng mảnh
vườn một, không bỏ sót chỗ nào ra đến tận bờ sông Bồ nhưng không có dấu vết
gì... mãi sau mới nghe báo cáo có một xác ở bên vệ đường 598 ở khu vực gần giữa
làng cùng với khẩu AK.47.
Sau khi ổn định. Vì tò mò muốn biết, tôi
cùng mấy người lính ở Trung Đội.2 đi quay ngược ra rìa làng. Tìm đến chỗ ngay
góc vuông hàng rào tre bên vệ đường 598, nơi mà đối phương đã bắn ra quả B.40
khi nãy. Tại chỗ này có thêm một xác nữa với khẩu B.40. Như vậy là có tất cả
hai xác được phát hiện. Có vẻ như không phải là lính chính quy, vì ăn mặc kiểu quần
áo nhà nông bình thường.
*
Tôi đứng hẳn vào vị trí của người phục
kích bắn ra quả B.40 để xem tầm ngắm và hướng bắn như thế nào. Xạ trường rất thông
thoáng và rõ ràng, nhưng có sự may mắn cho cả BCH. Đại Đội chúng tôi! Nếu không
có một nhánh cây bằng cỡ cổ tay từ bên trái vô tình xỉa ra chặn đường thì
nguyên bộ sậu gồm 7 cây ăng-ten ăn đủ quả bắp chuối B.40 đó rồi. Vì có nhánh
cây cứu rỗi cản địa buộc người bắn phải điều chỉnh. Nếu mũi súng hạ dưới nhánh
cây, tầm đạn sẽ cắm xuống thửa ruộng trước mặt. Nâng cao hơn, tầm đạn sẽ vọt
lên trời. Nếu bắn thẳng không tránh. Khi thoát khỏi nòng viên đạn có thể bị vướng
vào nhánh cây mà phát nổ ngay, gây nguy hiểm cho người bắn. Chính vì những lý
do đó, buộc người bắn phải cho mũi súng hơi chếch về mé phải một chút xíu. Thế
là thần chết bay chệch qua bên phải, không đi cặp sát vào lề đường nên Ban chỉ
huy chúng tôi mới thoát được một cách rất là may mắn. Hú vía! Cứ nghĩ đến cảnh
không có nhánh cây cản địa. Mũi súng chỉ cần lấy lệch về trái một vài ly thì...Ô
hô! Ai tai...!!! Dẫu sao chuyện đã qua... Nhưng đó là chuyện có thực! cứ xem
như được trời cao đất dày cứu mà thôi... Một điều đáng buồn! May cho kẻ này lại
là tai họa cho người khác! Quả đạn B.40 thoát ra khỏi nòng không làm gì được
BCH chúng tôi, nhưng lại nổ ngay giữa đường, cướp đi sinh mạng một người lính Trung
đội.2 và làm bị thương thêm ba người nữa... Riêng loạt đạn AK bắn bồi theo quả
B.40 đã làm cho 3 người lính ở Đại Đội Chỉ huy và một người lính pháo binh đi
theo sau BCH bị thương nhẹ...
Hòa Bình đâu chưa thấy... trước mắt tôi! Có
ba cái chết và một số bị thương xảy ra ngay sau giây phút đầu tiên Hiệp Định
Đình Chiến có hiệu lực không lâu... thật oan nghiệt!
*
Sau khi lục soát xong! Đại đội chúng
tôi bàn giao lại cho Tiểu Đoàn.1/3 chịu trách nhiệm... Và được lệnh chuẩn bị cho
quân vượt qua sông Bồ cùng với thiết vận xa M.113 tiến vào làng Cổ Bi và Hiền
Sĩ... phụ lực cùng Trung Đoàn.1/1. Vì cờ của đối phương lại thấy xuất hiện ở
phía bên đó... (Xem bản đồ, Số 03)
Thế là hết! Mọi ước mơ đã theo giòng nước sông Bồ trôi ra biển cả. Chẳng có hòa bình hòa biếc gì hết. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn nhưng đầy bất lợi cho phía chúng tôi khi bị trói tay vì không lường hết được mặt trái của những điều mình đã ký kết trong bản Hiệp Định...
Cauminhngoc
10/4/2024
(1) Lều dã chiến sử dụng để nằm võng, nghỉ qua đêm
trong rừng rậm vì không thể nằm đất nguy hiểm... Cứ một khi dừng chân nghỉ qua
đêm như vậy! biết bao nhiêu cây rừng cỡ cổ tay bị đốn hạ để lấy làm cột lều dã
chiến...
(2) Có sự cách biệt điểm giờ giữa hai miền Nam Bắc.
Bởi vì chính quyền miền Nam khi đó đã điều chỉnh cho đồng cùng múi giờ 7 đi trước
miền Bắc một tiếng đông hồ. Để khỏi phải thấy cái cảnh hai bên thượng cờ và
phát quốc thiều cùng một lúc vào mỗi buổi sáng ở tại hai bên bờ Bắc và Nam sông
Bến Hải...
* Ngày 1-9 -1945, Chính phủ lâm thời nước
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tuyên bố lấy múi giờ 7 làm giờ chính thức (sắc lệnh số
01/SL của Bộ Nội vụ). Từ đó, miền Bắc và miền Trung lấy múi giờ 7.
* Năm 1959, Chính quyền Sài Gòn ra sắc lệnh
số 362-TTP ngày 30-12-1959 quy định bắt đầu từ ngày 1-1-1960 giờ
chính thức và pháp định của miền Nam VN nhanh hơn 60 phút đối với múi
giờ 7. (Nguồn: Báo Tiền Phong)}
(3)
Phái bộ Kiểm Soát Đình Chiến rất vất vả vì chuyện vi
phạm này. Được khoảng vài tuần lễ đầu... Một ngày có đến cả dăm bảy lần chạy tới
chạy lui để xét xem ai vi phạm... Sau này UB KSDC bỏ mặc vì không thể xử lý được...
ai cũng cho là đối phương vi phạm còn mình thì không!
Sau đó chuyện tranh chấp
lãnh thổ ở đồng bằng Vùng.1 Chiến Thuật tạm ổn, chuyển dần về các khu vực rừng
núi. Chiến sự không còn khốc liệt như xưa nhưng vẫn dai dẳng suốt năm
1973-1974. Sang đầu năm 1975. Sau hai năm tích trữ vũ khí đạn dược phía miền Bắc
bắt đầu mở nhiều mặt trận lớn trên khắp lãnh thổ miền Nam. Đầy miền Nam vào thế
hạ phong vì không còn nguồn viện trợ dẫn đến chuyện bị thiếu hụt về nhiều mặt,
nhất là vũ khí và đạn dược đành phải chịu tan rã hoàn toàn vào ngày 30/4/1975.
(4) Cũng phải mất đến cả tháng mới hết giật mình và tàm tạm quên đi cái hình ảnh cụm khói bạc trắng cùng với quả B.40 thoát ra khỏi nòng như cục gạch ném tới trước mặt. Và mãi đến giờ phút này tôi khi đang ngồi viết lại vẫn nhớ như in hình ảnh đó, không hiểu được cặp mắt của mình tinh tế và nhạy bén như thế nào mà lại nắm bắt được khoảnh khắc cực ngắn và cực nhanh khi quả đạn vút tới đó. Rồi động tác quăng mình xuống bên rãnh ruộng để tránh viên đạn là do phản xạ cực nhanh nhạy của mình hay do Trời Phật độ hốt mình ném xuống nữa...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét