“ THIỆU TRỊ NIÊN CHẾ”. VỚI NHỮNG NÉT ĐẶC THÙ & TINH TẾ TRÊN CÁI BÁT NGỰ DỤNG ĐỜI VUA THIỆU TRỊ.
Hình 01. Cái bát Thiệu Trị Niên Chế vẽ cặp rồng. Con Thăng bay lên hớp cụm mây và con Giáng hoành xuống phun nước tạo mưa. Chân cả hai con đều có năm móng, biểu tượng dành riêng cho nhà Vua.
Ngồi rảnh không biết làm gì, lôi cái bát Ngự dụng Thiệu Trị Niên Chế ra chẻ cho vui, cũng là để nhớ lại những lời hay ý lạ của mấy vị đàn anh thân quen trong giới chơi cổ ngoạn gốm xứ chỉ dạy lúc xưa nay đã quá vãng.
Mấy ảnh nói là đồ Ngự dụng không phải là hàng chợ hay hàng cao cấp. Mà là một mặt hàng đặc biệt dành riêng cho nhà Vua đầy quyền lực và được làm với số lượng rất ít. Do vậy mà các quan chức xứ ta phải chọn lựa các lò danh tiếng, nơi có thợ tay nghề cao đảm trách để đặt hàng. Ngoài chuyện thai cốt, màu sắc và chất men đúng theo tiêu chuẩn giao ước. Các họa tiết cũng được đặt lên hàng đầu với sự tinh tế, chỉn chu, cân phương và đối xứng không thể sai lệch. Nhất nhất phải tuân thủ theo một nguyên tắc bất di dịch được giao kết giữa hai bên... Vật thể nào vi phạm sẽ bị đập bỏ không thương tiếc để tránh chuyện phát tán ra bên ngoài dẫn đến chuyện phạm thượng Vua của xứ ta. Bởi thế cho nên nó rất hiếm.Ta hãy quan sát xem các người thợ xưa thể hiện sự công phu và nghiêm cẩn như thế nào trên cái bát Ngự dụng Thiệu Trị Niên Chế này.
Với hiện vật nằm trong tay nên điều kiện khảo sát trực tiếp trên cái bát Ngự dụng Thiệu Trị Niên Chế là một điều khá thuận lợi và cũng là để nghiệm lại những điểm đặc thù nằm trên cái bát mà trước đây các vị đàn anh đã day tận trán chỉ bảo đến từng chi tiết. Tất cả chỉ thiệu lại lời của người xưa chứ không phải ý riêng của kẻ ngoại đạo không chút kiến thức gì về đồ gốm sứ mà dám đánh trống qua cửa nhà sấm. Xin thông cảm.
01/ – Chân rồng có năm móng. Chỉ dấu đặc biệt dành riêng cho nhà Vua. Ở hai con Long thăng và Long giáng (Con bay lên vờm trái châu, con hoành xuống phun mưa) trên thành ngoài cái bát này có cho thấy rõ điều kiện đó. (Không phải Long truy. Vẽ hai con rồng đuổi nhau).
02/ - Men xanh chàm được thể hiện với khá nhiều biên độ đậm nhạt cận sắc khác nhau biểu diễn sự phong phú và đa dạng, thông qua các mảng họa tiết lớn nhỏ được phối hợp cùng nhau rất hài hòa và chau chuốt khiến cho vật phẩm Ngự dụng này càng thêm sinh động bắt mắt mỗi khi cầm dõi trên tay.
03/ - Men trắng, trong mịn màng, ửng độ bóng trầm, óng ả giống như da quả trứng gà luộc đã được bóc vỏ.
04/ - Thai cốt tương đối mỏng, soi dưới ánh sáng, nhìn từ trong lòng bát có thể thấy được bóng dáng các họa tiết phía bên ngoài.
05/ - Khi búng nhẹ vào miệng bát, một âm thanh trong trẻo ngân vang như tiếng chuông phát lên nghe rất êm ái.
06/ - Các hình thái chủ thể được đặc tả quanh thành ngoài cái bát đều tuân thủ theo nguyên tắc đối xứng và cân phương rất nghiêm ngặt, chuẩn xác. Mặc dù đôi chỗ có sự sai lệch nho nhỏ nhưng không đáng kể vì đây là đồ thủ công vẽ riêng lẻ từng cái một nên không thể chuẩn xác như in được.
07/ – Các họa tiết được thực hiện bởi những mạch bút cực mảnh như sợi chỉ, dứt khoát đều đặn uyển chuyển, khi dài khi ngắn thật tinh tế và cẩn trọng, thể hiện sự công phu tỉ mỉ của người thợ có tay nghề rất cao.
08/ - Nên nhớ. Cụm từ tứ giác Thiệu Trị Niên Chế nơi trôn bát được viết cuối cùng, nhưng lại là điểm cực kỳ quan trọng. Nó cũng là nơi được mọi ngươi lưu tâm nhất mỗi khi cầm vật phẩm trong tay để hiểu rõ giá trị ở tầm mức nào.
Dựa vào cụm từ niên đại theo chiều đứng. Chấm một điểm chuẩn nơi trung tâm trôn bát, đồng thời nó cũng nằm giữa cụm tứ giác Thiệu Trị Niên Chế. Vạch một đường thẳng từ trên xuống dựa vào chiều đứng của cụm từ tứ giác và chạy qua điểm chuẩn của trôn bát, phân đôi cụm từ niên đại thành hai vế song song nhau. Hai chữ Thiệu Trị ở bên phải và hai chữ Niên Chế ở bên trái.
Ta hãy quan sát trục thẳng đứng này (Trục Tung). Ở ngay phía bên trên đầu cụm từ niên đại, sát bên ngoài vòng chân bát có vẽ một quầng thủy ba rất lớn mường tượng như cái mão úp trên bốn chữ Thiệu Trị Niên Chế như thể muốn ngăn chặn làn nước từ miệng con Long giáng phun xuống không cho chúng mạo phạm vào cụm từ này. Đây là một việc làm có chủ đích hẳn hoi chứ không phải vô tình, chính vì thế mà cụm từ Thiệu Trị Niên Chế được viết rất cẩn thận và vuông vức nằm ngay ngắn dưới cụm thủy ba, tọa lạc trên trục Tung không chút lệch lạc hay xiêu vẹo... Đây là một điểm quan trọng cần lưu tâm bậc nhất trong cái bát này.
Thứ đến. Nằm ngay dưới chân cụm từ niên đại là bàn chân con Long thăng có năm móng đang giương ra tạo thế cân phương với cụm hủy ba bên trên. Cả hai. Cụm thủy ba. Chân con rồng. Phải chăng mang ý nghĩa che chắn và đỡ đần cho cụm từ niên đại Thiệu Trị Niên Chế. Một ý tưởng thâm thúy và cao diệu được thể hiện qua hình họa tưởng không còn gì hay và tuyệt vời hơn... Hãy tưởng tượng nếu không có cái chân con rồng thì sẽ phải đưa cái gì vào vị trí này cho phù hợp? Từ đó ta mới thấy được cái ý tưởng tuyệt đích của người xưa.
Những hình ảnh về cái bát Ngự dụng nhìn qua nhiều góc độ để cho thấy tính cân phương & đối xứng cùng những ý tưởng sâu sắc của người xưa gởi gắm trên các họa tiết...
Hình 04 – Các họa tiết được thể hiện rất công phu và cẩn trọng
nơi con rồng chân có 05 móng.
Lớp men trắng rất mịn và óng ả. Men xanh chàm có nhiều biên
độ cận sắc thật đa dạng và phong phú. Mạch bút rất tinh tế dứt khoát, mảnh như
sợi chỉ. Tất cả đã nói lên sự công phu và tỷ mỉ của người thợ có tay nghề cao.
Hình 05 – Độ mỏng của cái bát dưới ánh sáng trời.
Cauminhngoc
28/9/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét