KHÁI HƯNG VÀ BỨC MINH HỌA TRONG TẬP GIAI PHẨM XUÂN “ĐỜI NAY”
NĂM 1943.
Bài thơ " Tương biệt dạ " và minh họa của nhà văn Khái Hưng.
Trích đoạn phần có tên nhà văn Khái Hưng.
Trích đoạn phần có tên nhà văn Khái Hưng.
Bức minh họa nằm lọt trong khổ giấy của tập Giai phẩm xuân Đời Nay. Phát hành năm 1943. Mô tả một phần căn phòng vắng vẻ. Ngoài hiên ánh trăng rực rỡ lan tỏa cùng khắp. Với tàng liễu rũ bóng thấp thoáng. Một con mèo ngồi thu mình tư lự nơi bậu cửa mà tấm phên cửa đã được chống lên bằng môt thanh gỗ tự thuở nào. Ánh sáng tràn vào xô bóng những song cửa thành những vệt đổ dài trên mặt đất và gối hẳn lên mặt bàn. Trên đó có sẵn một chai rượu đã lưng cùng cái ly cũng chỉ còn hơn nửa. Gần hơn chút nơi rìa cạnh bàn. Trên cái gạt tàn, điếu thuốc hút dở dang đang tỏa khói. Liền đó gần cái ghế dựa bỏ trống, vài tờ giấy trắng xô lệch, nằm đè lên nó là một cây bút lẻ loi. Thoạt nhìn vào, ai cũng nghĩ là căn phòng trống trải không người. Nhưng nếu tinh ý sẽ thấy nơi mé trái, dưới nền đất là bóng dáng một người cô đơn đang ngồi suy tư trong thế tay chống cằm. Bức tranh thật đơn giản. Tuyền sắc đen. Nhưng lại có chiều tư tưởng thật kinh khiếp. Theo nội dung bài thơ “ Tương biệt dạ ”.
Hiu hắt giăng(trăng) khuya lạnh bốn bề,
Ý sầu lên vút tới sao Khuê,
Quý thay giây phút gần tương biệt,
Vương vấn người đi với kẻ về.
Ngồi suốt đêm trường không nói năng,
Ngậm ngùi chén rượu ánh vầng giăng.(trăng)
Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ?
Có giống như mình lưu luyến chăng?
Đã tắt lò hương, lạnh phím đàn;
Thư phòng sắp sẵn để cô đơn!
Trời cao mây nhạt ngàn sao rụng;
Một giải sương theo vạn dăm buồn.
Sớm biệt ly nhau không nhớ nhau,
Nửa đêm sực tỉnh bỗng dưng sầu.
Giăng (trăng) mùa xuân đó ai tâm sự?
Anh đã xa rồi anh biết đâu!
1941
Huyền Kiêu
Nhà văn
Khái Hưng dựa vào lời thơ đó rồi dùng ngôn ngữ hội họa để diễn
cảm tâm trạng nhân vật làm cho người thưởng lãm phải sững sờ, bùng vỡ ý thức xoáy
ngược vào nội tâm. Hãy lắng hồn quán thu những hình ảnh mà nhà văn Khái Hưng đã
minh họa để cho ta chiêm nghiệm cùng lời thơ " Tương biệt Dạ ". Tất cả sự vật
trong tranh. Từ bóng người ngồi tư lự, ánh trăng đêm, bóng cây hiu hắt, con mèo đơn độc nơi bệ cửa, rồi
một cái ghế trống bên cạnh mặt bàn la liệt vật thường dùng của giới văn thi sĩ
hiển hiện trong một không gian buổi đêm vắng vẻ đầy kịch tính. Mọi
thứ cho thấy sự việc còn đang tiếp diễn nhưng dở dang, bỏ lửng. Cái động vô hình trong cái tĩnh của không gian và
thời gian hiện thực trong khoảnh khắc nắm bắt… Có tất cả, nhưng chỉ là nửa vời.
Ý tưởng thực sâu xa, cực thấm thía. Dùng
hư tả thực. Cứ tưởng không mà lại có. Phút giây thực và hư thật lắng hồn… Thế mới trác tuyệt.
Những hình ảnh mờ ảo của căn phòng dưới ánh trăng cùng lời thơ “ Tương biệt dạ ” của Huyền Kiêu đã gợi cho người đọc có sự kết hợp, sự chiêm nghiệm giữa thi - họa cực thấu đáo và bay bổng. Theo tôi nhà
văn Khái Hưng đã vẽ như thế này, khó ai mà có thể hơn được nữa. Những bản vẽ minh họa đa phần bị người đời xem thường bởi do tính vui mắt, cho đỡ trống trải, bớt nặng nề những trang toàn chữ là chữ của tờ báo hay quyển sách. Và các họa sĩ cũng chẳng ai chú tâm
làm gì bởi những việc làm cho có đó. Nhưng với tác phẩm này của nhà văn Khái Hưng… Ta
có một cái nhìn khác. Một người trước nay không thấy tác phẩm nào xuất hiện
trên họa trường, đa phần bản vẽ của ông chỉ là những minh họa cho sách báo. Không ngờ ở bản vẽ này, ông đã vượt thoát khỏi ranh giới của sự vui mắt, châm biếm vốn có của tranh minh họa để hình thành một tác phẩm trác tuyệt thông qua những nét bút đơn sơ, mộc mạc đầy tâm - ý. Thật là tuyêt. Kể cũng lạ và hiếm.
Tóm lại! Thật bất ngờ khi thấy một bức minh họa lại
chứa đựng triết lý nhân sinh cực sâu xa, không hời hợt. Có thể nói đây là một
tác phẩm hội họa đích thực chứa đựng sức nặng và chiều sâu tư tưởng hiếm gặp. Một tác phẩm cứ tưởng như đơn giản mà lại không đơn giản chút nào. Tri hành hợp nhất. Đầu
và tay cùng tới. Đầu tới mà tay không tới hoặc tay tới mà đầu không tới thì chẳng
thể nào trở lên tác phẩm lớn cho được.
Cauminhngoc
07/7/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét