Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

CHUYỆN TRANH PHÁO THẬT GIẢ BIẾT NÓI SAO ĐÂY?

Lê Thy. Đình làng. Sơn mài/gỗ mít. KT: 90cm x 60cm. Thâp niên 50/TK20


Ngồi uống cà-phe lề đường lắng nghe thiên hạ kháo về chuyện tranh pháo thiệt giả râm ran mấy bữa rày do anh chàng Vũ xuân Chung mang từ Pháp về. Có trự to mồm đồ rằng: (1)
Thời buổi rày tui hổng tin ai hết chọi!!! Muốn giám định một tác phẩm của một tác giả tên tuổi dễ chết… cứ việc chú mục vào một số lý lẽ như dzầy nè:
- Về bố cục theo quán tính.
- Về màu sắc hay dùng.
- Về đường nét đặc trưng.
- Về cố tật trong lúc vẽ.
- Về đề tài hay dùng.
- Về chữ ký. ( Từng thời kỳ )
- Về chất liệu sử dụng để hoàn thành. Lưu ý: Xem có phù hợp với thời khắc tạo dựng ghi trên tác phẩm không? ( Tùy theo hoàn cảnh).
VD: Thời khắc kiết lõ... mà có vóc, bố to đùng, vàng quỳ dán phứa... thì hỏng bét...
- Kỹ thuật sử dụng…( Cọ, dao, tay..v.v…)

Ngoài ra trong đời sống thực tế của tác giả. Chịu khó đi tìm tham khảo trong báo chí, sách vở...bà con chòm xóm xa gần nó cũng đóng góp rất nhiều vấn đề để ta dựa mà bổ sung cho việc thẩm định nguồn gốc tác phẩm thêm vững chắc, tỷ như:
- Hoàn cảnh kinh tế gia đình của tác giả ở ngay vào thời điểm sáng tác ra tác phẩm?
- Tính khí con người tác giả trong đời thường. Ky bo hay hào sảng? Thước đo cho chuyện lộ tin về tác phẩm ra ngoài.
- Làm theo đơn đặt hàng hay tự làm để đó chờ thời? Nếu chờ thời thì có vốn lận lưng không?
- Vật tư tự mua hay do ai cung cấp?
- Khi bán được tác phẩm, bạn bè và ai khác biết không? Giá bao nhiêu?
- Kích thước có phù hợp với nơi vẽ thực tế không? ( Căn nhà như cái lỗ mũi mà căng bố cả vài thước để vẽ... mới kỳ diệu! ). Vẽ sơn dầu còn dễ. Sơn mài phức tạp hơn rất nhiều, nhất là chỗ để ủ.
- Khi bán được tác phẩm, bạn bè và ai khác biết không? Giá bao nhiêu?
- Với vóc dáng tác phẩm to lớn sẽ mất nhiều thời gian thực hiện hẳn là phải có nhiều ngươi biết. Vậy các bạn bè thân thích, họa sĩ cùng thời có kháo nhau, bình phẩm về nó không? ( Nếu không thấy ai đả động gì, chả ai biết? Có vấn đề… )
- Giới tiêu thụ (sưu tập) vào thời khắc đó ra sao? Có chịu đầu tư hay chỉ xem cho vui? Để cho nước ngoài rước? Ở Hanoi này mà bán được một món kha khá thì cả nước đều biết. Nó như cái túi ấy mà! Đã từng nghe người quen thỏ thẻ như thế.
- Tác giả có can đảm nhịn đói mà vẽ hàng năm bảy tháng, rồi để ngắm cho đỡ buồn không? - Các chất liệu sử dụng trong tác phẩm nói lên được những gì khi ta mổ xẻ chúng? Riêng về sơn mài… những tấm vóc, màu, vàng quỳ ở vào những năm đầu mới giải phóng có dễ tìm không? Mặt bằng giá cả vật tư ở thời điểm đó… tác giả có kham nổi không?
- Chuyện miếng cơm manh áo đôi khi nó che mất lòng tự trọng. Bao tử nó vật thì gặp người mua là vẽ… nên chuyện có vài ba bức giống nhau cũng không lấy gì làm lạ… ( Mà có vẽ lại cũng có chết ai đâu mà rộn!? )
- Tác phẩm xuất hiện vào thời điểm tác giả còn sống hay đã chết ( Chú ý: Không căn cứ vào năm ghi trên tác phẩm ).
- Nơi phát hiện tác phẩm. Của ai bán…ở đâu. Lý lịch chủ nhân bán ra có đáng tin tưởng không? Việc này rất quan trọng nó đánh giá trên 90% chuyện thật giả.
- Dấu vết thời gian tác động vào tác phẩm ra sao? ( Đòi hỏi nhiều ở kinh nghiệm thực tế.)
- Hổng tin chắc vào trự nào hết à nha! Mọi ý kiến của mấy chả chỉ để tham khảo...thôi! Tin đồn cũng là nguồn tham khảo xác tín đó...
Còn dụ của Nguyễn Sáng và Nguyễn tư Nghiêm hả!? Đi tìm coi hồi ổng vẽ mua vóc, vải bố, màu của ai? Ổng vẽ ở nhà hay ở đâu? Dzợ con có ai hay hôn?(2) Bạn bè có ai chộ hôn? Vẽ xong bán cho ai dzậy? Bi nhiêu tìn... đưa cho dzợ hay bỏ túi xài riêng? Đó...đó! Mấy thứ đó mà tìm hổng ra thì..." Thằng Bờm có cái quạt mo..."
Cứ ghim các vấn đề nêu trên. Trộn đi xáo lại. Soi thật kỹ vào họa may mới mong tìm ra chân lý… Cứ cà “ huơ ” rồi cho rằng bức này ở nhà ông A là thật… bức còn lại giả… e thiên hạ hổng chịu nghe đâu! Có đôi ba ngài nhìn qua bản hình chụp mà phán cứ như thánh sống nằm trong chăn... Nói có dây có nhợ mới hay, mới đặng! Phản biện phải có tính khoa học, khảo cứu cẩn thận, rạch ròi hãy phán, không thể qua quýt vội vàng, hùa nhau tán láo. Cũng không thể tin vào lời nói của ai đó dẫu cho là ông gì gì đi nữa… lời nói gió bay mà…( Ai nói! Tui nói hồi nào? ) Giấy tờ vẫn có giá trị trên mặt pháp lý, có trách nhiệm cũng như có sự xác tín tối thiểu trong giao dịch… Tại sao dzậy biết hôn? Vì ít nhiều gì cũng có thứ trình cho tòa xử chớ... Hổng lẽ vác gió đi kiện được sao?  
Thoáng nghe và ghi lại… Đúng sai tùy nghi phán quyết... Nhà em vô can!
Cauminhngoc
13/7/2016
(1) Cái dzụ này chưa biết đúng sai à ngheng. Nhưng có điều chắc chắn là muốn thực hiện được như chả nói, thiệt không dễ chút nào... Phải chuyên nghiệp lắm lắm mới được... không giỡn chơi đâu à nha! Có nhiều người bỏ ra cả cuộc đời để nghiên cứu về một nhân vật thế mới nể... Không biết ở VN ta có ai không nữa... Rồi cũng có những " Ngài thông tuệ " nhìn qua bản chụp biết ngay thật giả. Phán còn hơn cả thánh sống. Quả là quỉ khốc thần sầu... Cầm trong tay soi khắp mọi nơi, hang cùng ngõ hẹp vẫn còn bị hố nữa là... Ôi! Cuộc đời...
(2) Cái này coi bộ gay nha! Rủi gặp phải cái đám ba trợn thì chết chắc...ôm sô, té giếng... Nói thiệt! Cũng một phần tại các ngài họa sĩ nhà ta vẽ cứ như minh họa cho sách báo nghuệch ngoạc, xuệch xọac, đầu cua tai nheo nên mới bị bọn trẻ nó luộc... Không am tường, chơi bằng lỗ tai thì phải như thế thôi! Tinh mắt đôi khi còn té ngửa... thong manh, mắt đầy dử thì chết chắc... Họa sĩ xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương là một chuyện... Tác phẩm lại là chuyện khác. Đừng có lẫn lộn mà toi cơm!!! Ở Miền Nam trước 1975. Có ai thèm chú ý đến anh xuất thân từ trường vẽ nào... Thiếu gì các ngài xuất thân từ Đông Dương khi đó phải gác bút đi làm thày dạy cho sắp nhỏ ( Lê văn Đệ, Nguyễn văn Anh..v..v...)... cạnh tranh sao lại sức trẻ nó bẻ gãy sừng... cộng thị trường vật tư cùng nguồn tư liệu tham khảo quá dồi dào, đã vậy thêm tính ngựa non háu đá... đám Trẻ nó quậy dữ... Trăm hoa đua nở... ( Hổng tin hỏi đám " Hội họa sĩ Trẻ " coi thử !). Đông Dương phải cỡ Tú Duyên, Tạ Tỵ mới có chỗ chen chân... yếu yếu là rớt, lọt đìa liền cấp kỳ... hổng tin lục tư liệu mà coi... Chứ đâu đó... có nhiêu nhai đi nhai lại goài... Nghèo thấy mẹ!!! Treo vài tấm còn đơ đỡ! Treo cỡ chục bức là thấy "nhàm"! Chả có gì hào hứng... Chủ yếu bạn bè "tâng" nhau là chính... Chứ so ra chả khác gì minh họa đâu nà... Với lại ai dám khẳng định là các cụ nhà ta chỉ vẽ một bản duy nhất hay nhiều bản nào?

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

QUYỂN SÁCH BỎ QUÊN...

    Lay hoay dọn dẹp mớ xà bần trong tủ...ngước mặt nhìn lên. Môt bìa sách ngoại khổ có màu nâu xậm, lẻ loi ngoi ra khỏi vị trí bình thường của chồng hộp đựng tư liệu trên nóc...gây chú ý!
    Bìa sách ám mốc đầy bụi bặm đã sờn nặng nơi các cạnh lòi cả carton bên trong . Gáy da rách toác hai đầu lam nham, phần giữa thủng mọt, bạc màu thời gian, nay chỉ loáng thoáng lờ mờ những chữ mạ vàng không thể hình dung rõ nguyên gốc ... Quyển sách được để nằm ở vị trí này từ bao giờ chẳng thể nhớ, nhưng chắc là đã lâu bởi lớp bụi mỏng phủ trên bề mặt.
     Lau chùi cẩn thận cũng không thể tuốt sạch được dấu vết lớp bẩn cáu ghét lâu năm tác động trên bề mặt ngoài bìa áo. Bên trong. Những trang giấy ngoại khổ dày dặn vẫn còn cứng cáp thi gan với thời gian đã không còn liên kết với nhau bởi những sợi chỉ khâu và lớp keo dán đã mục rã do bị tác động bởi khí hậu ẩm thấp vùng nhiệt đới. Mặc dù một vài tờ mặt giấy bờ ria sát cạnh gáy, đôi chỗ bị mọt cày nhấm trên bề mặt tạo thành những đường ngoằn ngoèo khuyết trũng xuống thân giấy nhưng chưa đủ sức xuyên qua nên không gây ảnh hưởng gì, số còn lại vẫn trong tình trạng khá tốt cho dù cạnh ngoài có bị thủng, cong quăn đôi chút cũng không đáng kể.... Để bảo vệ cho hình ảnh. Người xưa cũng hay dùng những tờ giấy kiếng mong manh đục mờ phủ trước mỗi bảng hình để mặt tranh không bị trầy xước. Nay. Tất cả đã ngả sang màu ố vàng. Rồi cũng do sự tác động bởi lực mở ra gấp vào nhiều lần của chủ nhân mỗi lần xem, những tờ giấy đã không chịu nổi sự co giãn đã trở nên luộm thuộm sốc xếch, cái dính cái rời, gấp nếp nhăn nheo... có lẽ vì vậy mà đã bị mất vài tờ không còn đủ số như ban đầu. Đành vậy biết làm sao!
     Quyển sách có tựa:
- RELAZIONE sulla CULTURA DEI COTONI IN ITALIA.
- Tác giả: AGOSTINO TODARO.
- Xuất bản năm 1877 - 78.
- Khổ sách: 32cm x 46cm.
Toàn bộ bằng tiếng Italia. Nội dung chi tiết:
- Trang bìa tuyền màu đáy góc phải ghi  C. Visconti. lit.
- Có năm tờ ( 10 trang ) thuyết minh bằng chữ Italia cho số phụ bản có hình minh họa tiếp sau.
- Có 12 bản minh họa. In một mặt bằng kỹ thuật Cromolit. Ở đáy mỗi tờ trong hình. Bên góc trái ghi: C, Visconti. lit. và bên đáy góc phải ghi. F. P. Rivas. dis. Ngay phần đáy giữa có ghi: Cromolit.  C.Visconti Palermo. Ngoài ra dưới và trên đầu ngoài từng tờ hình đều có ghi chú thuyết minh cụ thể.


Trang bìa quyển sách. Khổ giấy: 32cm x 46cm.


Bảng chữ thuyết minh chi tiết cho các hình vẽ. Trang số 01...


 Bảng hình số 01.


Bảng hình số 02.


Bảng hình số 03.


Bảnng hình số 04.


 Bảng hình số 05.


Bảng hình số 06.


Bảng hình số 07.


Bảng hình số 08.


Bảng hình số 09.


Bảng hình số 10.


Bảng hình số 11.


Bảng hình số 12.

Bìa đóng phủ ngoài quyển sách. Khổ lớn hơn: 32cm x 46cm. đôi chút.

PHỤ LỤC DỰA THEO GOOGLE.

Tượng chân dung tác giả. AGOSTINO TODARO.( 1818 - 1892 ) 
( Nguồn Wikipedia ).



Công bố của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia. Thư viện và nghệ thuật của Palermo vào năm 1995.
( Nguồn google. abebooks.com ).


Quyển sách tái bản năm 2013. Bằng ngôn ngữ Ý. ( Nguồn google. bokus.com ).



Cauminhngoc
05/7/2016