Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

NỮ HỌA SĨ NGÔ NGỌC ANH và " TRẠO CA THANH TẠI THỦY VÂN GIAN ".

“ TRẠO CA THANH TẠI THỦY VÂN GIAN ”.

15 Tháng 3 2014 lúc 12:36
“  Trạo ca thanh tại thủy vân gian ”.
   棹   歌  声(聲) 在  水   雲  間[间].



                                             Hình 01.  Ngô ngọc Anh. Mực nho trên giấy xín chỉ.
                                       Kích thước: 59cm x 119cm. Vẽ năm Quý Sửu.  癸丑 (1973).



                       Hình 02. " Trạo ca thanh tại thủy vân gian ".
                                            棹  歌 声 在 水  雲 間

Diễn ý:  Tiếng mái chèo khua như tiếng hát vang vọng giữa trời mây nước.

                          Tạm dịch thơ:      
                                    " Chèo khua ngân tiếng lưng trời.
                                      Núi chen mây nước bè đời rong chơi! "
                                                                                   (Cauminhngoc)

      Nữ họa sĩ Ngô ngọc Anh là một trong những đệ tử thuộc lớp thứ nhất của Họa sư Lương thiếu Hàng. Ông Lương là lớp người Hoa sang lập nghiệp tại Việt Nam ở khoảng sau nửa đầu thế kỷ 20. Vốn là lớp họa sĩ cựu học có danh phận, vẽ rất nhiều tác phẩm đẹp. Nhưng khi thấy phong cách linh hoạt của họa phái Tân Lĩnh Nam về dụng bút và màu nên đã theo học và ông đã đem sở học này mở lớp truyền bá cho những người Hoa yêu thích tranh thủy mặc vẽ theo lối cách tân này tại Miền Nam Việt Nam. Họa phái tân thời này hoạt động rất mạnh và đã tạo dựng được uy tín  trong cộng đồng người Hoa tại Cholon. Hiện nay lớp đệ tử hàng thứ nhất đã dần mai một vì tuổi tác như: Lý tùng Niên, Triệu Vĩ Hùng, Ngô ngọc Anh (nữ), Mạc ái Hoàng (nữ)..v.v... Những lớp hậu bối của phái Tân Lĩnh Nam Cholon vẫn còn đang tiếp tục phát triển và cũng đã lôi cuốn được thêm một số người Việt yêu thích thể loại tranh này.
   
     Tác phẩm " Trạo ca thanh tại thủy vân gian " này vẽ theo góc nhìn  " Cao viễn". Bức họa gần như thuần mặc, có pha nhuộm, điểm một chút màu hồng, nhưng nay đã phai lẫn vào sắc giấy lâu năm nên chỉ còn thấy lờ mờ. Tác phẩm phô diễn nội dung sơn thủy hùng vỹ hữu tình. Toàn cảnh là một vùng thâm sơn hoang vu với những đỉnh núi cao xa tít tắp lẩn khuất khi mờ khi tỏ trong sương mù... phía dưới chân rặng núi là một đoạn sông dài có giòng chảy khúc khuỷu uốn lượn giữa hai bên vách núi sừng sững cao vời vợi. Tất cả như muốn lấn ép cả giòng chảy. Không phải như thế mà mất đi giòng sông. Nó vẫn cứ an nhiên mà tồn tại, hỗ trợ cho sự sống của muôn loài và trong đó có cả sự hòa nhập của con người. Thiên nhiên, cái nôi của sự sống cho dẫu có nhọc nhằn gian khổ cho việc mưu sinh. Nhưng nó chứa đựng một cái gì đó chân chất, lặng thầm và thanh thản…

      Với bút pháp vững vàng, dụng mặc và điểm xuyết hợp lý tạo được sự ảo thị cho nguời xem. Phái nữ mà vẽ được như thế cũng không thấy bao nhiêu…


MỘT SỐ ẢNH CHỤP CHI TIẾT.


                                                        Hình 03.

                                                         Hình 04.


                                                  Hình 05.




                                                  Hình 06.

      Phái Tân Lĩnh Nam do Triệu thiếu Ngang khởi xướng. Chuyên sử dụng bút lông sơn mã. Khai thác độ cứng của lông ngựa ( bút lông sơn mã ) vì nó tạo được sức bung khi dứt mạch bút, làm cho người thưởng ngoạn thấy được sự sắc xảo, mềm mà mạnh mẽ của từng nét...Chủ đề chính của họa phái này là hoa điểu và thảo trùng có màu sắc rất đẹp, phong phú và đa dạng, rất cuốn hút người thưởng lãm. Đôi khi cũng có vẽ tranh sơn thủy. Mặc dù đã có sự cách tân trong thuân pháp nhưng về màu sắc không thể thao túng như tranh hoa điểu bởi bản chất đơn giản của cảnh vật thiên nhiên.
   
      I - Sự cách tân trong thuân pháp vẽ hoa điểu và thảo trùng.
            Phái Tân Lĩnh Nam của họa gia Triệu thiếu Ngang đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong nền hội họa truyền thống Trung Quốc. Ông đã khởi xướng một kỹ thuật dụng mực và bút đặc biệt và mới lạ. Với phương pháp ép nhiều tầng màu trong một lần lấy mực.... Khi xuống bút, ngòi lông được ấn mạnh xuống mặt giấy làm cho các các tầng màu đẫm nước trong bụng bút bị tác động cùng một lúc, thúc ép hòa lẫn nhau ở cùng một thời điểm tạo ra mảng màu có nhiều sắc độ loang tự nhiên trên giấy. Chỗ có chỗ không. Chỗ đậm chỗ nhạt rất sinh động. Phái Tân Lĩnh Nam này cũng không sử dụng các nét viền quanh vật thể để định dạng mà dùng các loại bút có ngòi lông lớn nhỏ khác nhau với kỹ thuật vạch, điểm, vuốt và nhấn bổ sung cho cách tạo hình tinh tế, ảo diệu cho vật thể. Kỹ thuật này đã vô tình giúp cho sự phối sắc có biên độ cận nhau lan trên mặt giấy rất phong phú đa dạng không bị khô cứng như phương pháp tô nhiều lớp, nhiều lần của phái cổ nên hình dáng sự vật trông rất tự nhiên, rất hoạt.    trong từng mảng, từng nét vuốt và chấm phá...




Tranh. HS Triệu thiếu Ngang.  Sự hòa sắc rất độc đáo.(Nguồn Google).




Trương quýnh Sơ. Hoa.  Mực nho trên giấy xín chỉ. Kích thước 46cm x 34,5cm. Vẽ năm 1950.
Vẽ theo lối cổ.



Song ngư. Mực nho màu trên giấy. Kích thước: 52cm x 116cm. Năm vẽ 1960. 


               
 
            Uông sĩ Thận. Cúc thạch./ Trúc Mai.  Mực nho trên giấy xín chỉ. Kích thước: 30.5cm x 83cm.
                     Vẽ năm: Càn Long. Tân Dậu (1741). Tranh cổ.


Trọng Đỉnh. Hoa điểu. Mực nho màu trên lụa. Kích thước: 44cm x 105cm. Năm vẽ chưa rõ. Vẽ theo lối cổ.


       II - Sự canh tân trong thuân pháp vẽ sơn thủy. 
  Về thuân pháp đã tránh được sự nệ cổ. Khai thác việc nhuộm màu tạo phông nền, dùng mảng đậm nhạt, mờ ảo của sắc độ cùng nét xước rải, phối hợp chồng lấn lên nhau để mô tả cảnh vật theo luật viễn cận hiện đại. Về màu trong lối vẽ sơn thủy có vẻ như không được thành công như vẽ thảo trùng và hoa điểu. Có lẽ do màu sắc không phong phú và đa dạng như hoa lá. Một điều nữa không kém phần quan trọng là chưa tạo được bước ngoặt cá biệt như trong tranh hoa điểu, thảo trùng do vẫn còn vấn vương, chưa thoát hẳn ra được những thuân pháp chung chung, truyền thống và giống với một số họa gia khác về cách sử dụng độ loang của mực...



Lý tùng Niên. Sơn thủy. Mực nho trên giấy xín chỉ. Kích thước 58cm x 80cm. Năm vẽ : Trước 1975. 


Trùng cát cư sĩ. Sơn thủy. Mực nho trên giấy xín chỉ.  Kích thước 26cm x 98cm. Giap Thân (1944) - 
Vẽ theo lối cổ.


                                                     
Trùng cát cư sĩ. Mỹ nhân. Mực nho trên giấy xín chỉ.  Kích thước 31cm x 88cm. Giap Thân (1942) - 
Vẽ theo lối cổ.

Chưa rõ. Sơn Thủy. Mực nho trên giấy xín chỉ. Kích thước 19cm x 36cm. Vẽ năm Quí Mùi (1943).
Vẽ theo lối cổ.



NGUYỄN TRÍ MINH. Phong cảnh. Sơn dầu trên bố. Kích thước: 100cm x 162cm. Vẽ trước 1975.
Một lối vẽ rất gần gũi với tranh thủy mặc Trung Quốc.

     Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài viết này ta có thể tạm thời lấy hai tác phẩm vẽ sơn thủy. Một của họa sĩ Lý tùng Niên và một của nữ họa sĩ Ngô ngọc Anh, ở phần trên làm tiêu biểu, để một phần nào hiểu thêm về sự canh tân về thuân pháp vẽ sơn thủy của họa phái Tân Lĩnh Nam Cholon....


Lưu ý: Những tác phẩm được dẫn trong bài có ẩn chữ nổi "Cauminhngoc" là sở hữu của người viết. Ngoài ra những tác phẩm minh họa khác đều có ghi chú nguồn rõ ràng ở ngay dưới bức tranh.

Cauminhngoc
08/08/2015.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét