Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

HỌA SĨ NGUYỄN ĐỨC NÙNG, ĐOÀN PHÚ TỨ & TẬP BẢN THẢO CHƯƠNG TRÌNH BUỔI DIỄN KỊCH " GHEN " NĂM 1944.

      
HỌA SĨ NGUYỄN ĐỨC NÙNG, ĐOÀN PHÚ TỨ & TẬP BẢN THẢO CHƯƠNG TRÌNH BUỔI DIỄN KỊCH " GHEN " NĂM 1944.  



        Hình 01. Trang bìa của bản thảo chương trình buổi diễn vở kịch GHEN. 


                                                  Hình 02.   Xuân Thu Nhã Tập. (Google).

Sơ lược về nhóm XUÂN THU NHÃ TẬP.
        Các thành viên của nhóm Xuân Thu nhã tập gồm có các văn nghệ sĩ sau:
- Cộng tác: Nguyễn Lương Ngọc; Nguyễn Đỗ Cung (họa sĩ) và Nguyễn Xuân Khoát (nhạc sĩ).

Như trên đã nói, nhóm ấy được tập hợp từ năm 1939, đến tháng 6 năm 1942, thì họ xuất bản được một tập sách có cùng tên là Xuân Thu nhã tập (do Xuân Thu thư lâu xuất bản).
Trong tập, ngoài các tiểu luận, còn có ba bài thơ của Phạm Văn Hạnh ("Thư thơ", "Người có nghe", "Giọt sương hoa"), ba bài thơ của Nguyễn Xuân Sanh ("Buồn xưa", "Hồn ngàn mùa", "Bình tàn thu"), một bài thơ của Đoàn Phú Tứ ("Màu thời gian"), một bản nhạc của Nguyễn Xuân Khoát (phổ bài "Màu thời gian") và một bức tranh của Nguyễn Đỗ Cung (vẽ một cây cây đã bị đốn hết thân cành nhưng trên đó đang bùng nở những chồi biếc khỏe khoắn). Đây là những sáng tác vừa đóng vai trò thử nghiệm, vừa đóng vai trò minh chứng cho những tuyên ngôn lý thuyết đã được đúc kết trong các tiểu luận.
    Xuân Thu nhã tập là tên của một nhóm văn nghệ sĩ có chung chí hướng sáng tác, được tập hợp từ năm 1939, đến tháng 6 năm 1942, thì họ xuất bản được một tập sách có cùng tên là Xuân Thu nhã tập (do Xuân Thu thư lâu xuất bản)[1], gồm một số bài thơ, văn xuôi triết lý và tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm (một số bài trước đó đã được đăng báo Thanh nghị). Theo một số nhà nghiên cứu, thì nhóm ấy ra đời (và tồn tại đến năm 1945)[2] để làm sự cách tân và sáng tạo ở giai đoạn mới của phong trào Thơ mới trong tiến trình văn học Việt Nam[3].
  ( Nguồn Wikipedia ).


     Hiện nay tập sách Xuân Thu Nhã Tập này rất hiếm trên thị trường trao đổi mua bán. Được giới sưu tập rất quan tâm....

                                                 
(Nguồn: Google. Hình ảnh cho Đoàn phú Tứ ).

   
                           TẬP CHƯƠNG TRÌNH VỞ KỊCH “GHEN”. (Bản thảo gốc)
   
       Ðây là tập bản thảo, phác đồ quảng cáo cho chương trình buổi diễn vở kịch " GHEN"(1). Kịch bản của Ðoàn Phú Tứ viết từ năm 1937. 

    Tập bản thảo này được thực hiện trên giấy dày tổng cộng có 04 tờ ( 08 trang ). Gồm 03 tờ. Số. 01; 02; 04. Có màu vàng. Nội dung giới thiệu các nhân vật nhập vai diễn và phần tóm lược vở kịch. Tất cả được Bùi Xuân Các thực hiện theo lối viết tay bằng chữ Quốc ngữ với bút sắt và mực đen. Đặc biệt tờ số 03. Sử dụng làm phụ bản bằng giấy màu trắng, trong đó vẽ phác chân dung một cô gái bằng bút sắt, mực đen có điểm xuyết bằng phấn màu do họa sĩ Nguyễn Đức Nùng thực hiện. Theo như tập chương trình. Buổi diễn được mở màn vào lúc 21giờ ngày 10 tháng 6 năm 1944 tại Hội Quảng-Trị Huế (2).
       
I -  Tờ thứ nhất.


                                                   
                   Hình 02 - Trang bìa:  Ghi tên tác phẩm, tác giả. Dưới cùng ngày giờ và nơi trình diễn. 

                                                      

              Hình 03 - Trang thứ nhì.  Có chữ ký của Đoàn phú Tứ. Nguyễn Tuân. Phạm văn Hạnh ( Thê Húc). Nguyễn đức Nùng. Góc trái trên có ghi “ của Văn Giáo ” và một số dòng chữ bằng tiếng Pháp. 

Hình 3bis.  Nhà văn Thê Húc (Phạm văn Hạnh) qua nét hí họa của A Tích Trù. Trích trong Giai phẩm Xuân Canh Dần (1950).( Hình đã qua xử lý nền đa sắc ). 


Hình 3c. Trang bìa catalog và trang áp chót triển lãm Tạ Tỵ

Hình 3d.  Trên góc trái đỉnh trang thứ nhì, có ghi giòng chữ " Của Văn Giáo ". Không rõ là " Văn Giáo " này có liên quan gì đến nhà in Văn Giao ở số 88. Đường Lò Đúc, Hà Nội năm 1951 in trong cuốn cataloge của Tạ Tỵ không? Phải chăng họa sĩ Văn Giáo có nhà in tên Văn Giao. Do đó khi Đoàn phú Tứ đưa đến nhờ in mới có điều kiện giữ được bản thảo này?


       
II - Tờ thứ hai.

Hình 04 - Trang thứ ba: Ghi tên tác phẩm, tác giả. Tên các nhân vật trong vở kịch cùng vai diễn. Giờ mở màn. 
             - Trang thứ tư.  Để trống không có ghi gì.


III - Tờ thứ ba.

    Hình 05 - Trang thứ năm. Gương mặt thiếu nữ do họa sĩ Nguyễn đức Nùng ký họa ngày: 10 tháng 6 năm 1944 bằng bút mực và phấn tiên. 
                                    - Trang thứ sáu. Đáy góc phải thấy có ghi “của Văn Giáo”.



IV - Tờ thứ tư. 

                                          Hình 06 - Trang thứ bảy. Viết tóm tắt nội dung vở kịch. 
                                                       - Trang thứ tám, để trống không có ghi gì.
       
      -  Ba tờ 1, 2, 4. Ngoài trang thứ nhì, có một số ghi chú và chữ ký của các nhân vật có liên quan đến buổi diễn đồng ký vào làm kỷ niệm . Còn lại tất cả do Bùi xuân Các trình bày và viết tay bằng mực đen trên giấy dày màu vàng có kích cỡ: 24 x 33cm. Có thể nói là chữ viết thật đều và rất đẹp. Mặc dù thời gian đã làm cho màu mực đen trở thành màu vàng nâu. Chung quanh các tờ giấy hầu hết đã bị sờn rách và toàn tập đã bị gấp đôi. Riêng tờ đầu tiên ở đỉnh góc trái bị côn trùng gặm khuyết vào trong khá nhiều nhưng không ảnh hưởng gì đến nội dung.

     - Tờ thứ ba là một tấm phụ bản duy nhất do họa sĩ Nguyễn đức Nùng ký họa gương mặt người thiếu nữ bằng bút sắt, phối hợp với phấn tiên màu trên giấy trắng dày. Kích cỡ 23 x 31cm. Cũng bị gấp đôi ở giữa. Bức minh họa này ghi ngày vẽ 10/6/1944. Chữ ký nằm bên góc phải dưới.
 
     Theo như tờ chương trình cho biết trong vở kịch có 03 vai nữ. Do ba người đảm trách là: Bà Bửu Chí ( Hiệu Chi Mai), bà Nguyễn Đức Nùng (Hiệu Kiều Tân) và bà Thanh Hương. Phải chăng đây là gương mặt của một trong ba người phụ nữ có vai diễn trong vở kịch được họa sĩ Nguyễn Đức Nùng ký họa lại không?

     Có một điểm đặc biệt cần lưu ý. Ngoài bìa tờ bản thảo có ghi vở kịch được khai diễn vào lúc: 21 giờ ngày10/6/1944. Trên bức phụ bản ký họa chân dung một phụ nữ họa sĩ Nguyễn Đức Nùng cũng ghi đúng ngày này: 10/6/1944. Một chuyện hơi khó lý giải khi bức ký họa và buổi diễn lại có sự trùng khớp nhau về ngày tháng năm. 
      Theo lẽ thường tập bản thảo chương trình sau khi được ông Bùi Xuân Các thực hiện hoàn chỉnh xong rồi mới đưa đi nhà in để nhân bản. Việc in ấn này phải xảy ra trước ngày diễn 10/6/1944 một thời gian ít nhất cũng phải cả tháng hoặc hơn. Sau đó lấy về cho nhân viên đem đi phân phát rộng rãi trong quần chúng để quảng cáo về buổi diễn. Không hiểu sao ngày tháng năm họa sĩ Nguyễn Đức Nùng ghi trên bức phụ bản lại trùng khớp ngay với ngày xảy ra buổi diễn đã được ông Bùi Xuân Các ghi rõ ngoài trang nhất của tập chương trình!? Vậy tờ phụ bản này làm sao có thể in kịp để đính kèm với tập chương trình của vở kịch mà phân phát cho mọi người? Phải chăng có sự chuệch choạc trong khâu chuẩn bị cho buổi diễn và lúc này tập chương trình vở kịch GHEN chỉ được thực hiện bằng câu chữ mà không đề cập gì đến phụ bản...Và vở kịch GHEN đã gặp sự cố nào đó đã không được trình diễn đúng vào 21 giờ ngày 10/6/1944. 
       Có thể buổi diễn đã được dời vào một thời điểm khác sau ngày 10/6/1944... Do đó mà họa sĩ Nguyễn Đức Nùng mới có dịp thực hiện bức phụ bản này vào ngày 10/6/1944. Rồi đưa cho nhà in Văn Giao ở số 88. Đường Lò Đúc, Hà Nội thực hiện việc in ấn. Điều này cũng lý giải cho câu "Của Văn Giáo" ở góc trái trên trang 2 của tập bản thảo. 
       Không rõ vở kịch GHEN có được tổ chức diễn vào thời điểm nào khác sau đó? Tập chương trình này có được in ra không? Mà cho đến nay (Năm 2022) chưa thấy dấu vết bản in nào về tập chương trình vở kịch GHEN dự kiến sẽ mở màn vào 21 giờ ngày 10 tháng 6 năm 1944 xuất hiện trên văn đàn ngoài bản thảo gốc được trình bày ở trên. Nếu không thì đây là bản thảo duy nhất vẫn nằm trong dự kiến chưa được thực hiện cùng vở kịch GHEN của năm 1944. (Theo nguồn Wikipedia. Vào đêm 13 tháng 3 năm 1947 vở kịch Ghen này có diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội).    


A - Đánh giá:
  Đây là một văn bản rất có giá trị về nhiều mặt: Lịch sử văn học, hội họa vì những lý do sau:
1 - Bản thảo duy nhất. Nó cho biết có buổi diễn kịch của nhóm Xuân Thu Nhã Tập. Rất có thể buổi diễn này không được thực hiện vì một lý do bất khả kháng nào đó.

2 - Phụ bản do họa sĩ Nguyễn đức Nùng vẽ. Một tên tuổi lẫy lừng trong nền hội họa VN thời kỳ đầu của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. (Bản gốc).

3 - Có chữ ký của những nhân vật tên tuổi lớn trong văn giới, họa giới cùng ký chung vào bản thảo này. Gồm: Tác giả vở kịch là Đoàn phú Tứ. Nhà văn Nguyễn Tuân. Nhà văn Thê Húc ( Phạm văn Hạnh). Họa sĩ Nguyễn đức Nùng và do Bùi Xuân Các thực hiện và trình bày bằng lối viết tay rất công phu. Theo như cách ghi chú ta có thể tạm hiểu bản này là do Họa sĩ Văn Giáo lưu giữ.

4 - Trong thú sưu tập chữ ký của những nhân vật nổi tiếng. Rất hiếm thấy một văn bản mà nhiều nhân vật lừng danh cùng ký tên vào. Chữ ký riêng lẻ của những nhân vật có tên trong bản thảo này  hiện nay cũng rất hiếm, nếu có xuất hiện trên thị trường cũng nằm trong mức giá khá cao. Một văn bản mà mang trên mình cả ba lãnh vực có tầm vóc là: Kịch nghệ, Hội họa và Lịch sử.

     Tóm lại. Đây là một văn bản rất quý hiếm mang nhiều thông điệp về văn hóa, nghệ thuật của thời tiền chiến tại Việt Nam không dễ gì bắt gặp được.

B - Đôi điều cần lưu ý:

 - Theo những gì hiện có. Như vậy vở kịch " Ghen " có hai buổi diễn:
    a - Tối ngày 10 tháng 6 năm 1944. Dựa theo bản viết tay tập " Chương trình....". Không rõ có diễn không?
    b - Tối ngày 13 tháng 3 năm 1947. Dựa theo nguồn Wikipedia. Tư liệu nói về buổi diễn này có chính xác?

- Chưa rõ Hội Quảng-Trị Huế của thời điểm những năm 1940 - 1945 ngày xưa nằm ở đâu? Ngày nay còn hay mất? (2) 
- Nhờ có bản thảo này  mà ta có bằng chứng để khẳng định là có nhiều nhân vật tên tuổi trong văn đàn đã  từng tham gia làm diễn viên kịch nói. Trong đó có nhà văn Nguyễn Tuân.
- Không hiểu buổi diễn này có xảy ra không? Nếu có thì đã diễn được bao nhiêu buổi?
- Tập chương trình này có đưa cho nhà in nào thực hiện để phát cho những người đến xem buổi diễn hay không? Cho đến nay chưa thấy xuất hiện tập chương trình này là bản in trên thị trường...
- Có phải nhà in Văn Giao ở số 88 Lò Đúc Hà Nội chịu trách nhiệm in và xuất bản không? Trong bản viết tay thấy ở nhiều nơi có ghi " của Văn Giao ".
C - Vấn đề phục chế:  
     Thỉnh thoảng tôi có gặp một anh bạn Việt Kiều Pháp về chơi, anh cho biết là những tình huống bị hư hỏng như ở bản thảo này đối với giới phục chế ở các nước phát triển thì không có gì là khó khăn, phức tạp cả. Họ có những phương tiện và kỹ thuật phục chế lại y như cũ một cách dễ dàng và không tốn kém bao nhiêu... 

Cauminhngoc
28/04/2014
(1)  Ghen (kịch dài, đăng báo Tinh hoa, 1937;  Nxb Nguyễn Du in thành sách, 1942).  Đêm 13 tháng 3 năm 1947 có diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. (nguồn Wikipedia).

(2) ĐỊA CHỈ CỤ THỂ CỦA " HỘI QUẢNG-TRỊ HUẾ ": 
    Có lẽ ít ai quan tâm đến địa chỉ của hội này. Xin đưa ra để làm tư liệu. Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online ngày 26/11/2015

........................................................................................................
        ....Trụ sở UBND Phường Phú Hòa ở 51 Huỳnh Thúc Kháng vốn là trụ sở của Hội Quảng Tri. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, đầu thế kỷ 20 ở Hà Nội giới trí thức và các nhà yêu nước đã lập ra Hội Khai Trí Tiến Đức để quảng bá tân văn hóa, truyền bá quốc ngữ, cổ vũ lòng yêu nước.
Ở Huế, các nhà trí thức cũng lập ra một hội tương tự, đó là Hội Quảng Tri, ra đời năm 1905.
Theo tài liệu do nhà nghiên cứu Bửu Ý cung cấp, Hội Quảng Tri là nơi quy tụ nhiều nhà trí thức đương thời, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh...
Năm 1926, cụ Phan Bội Châu có các buổi diễn thuyết tại đây. Ngày 23-1-1937, đại diện các tờ báo tiến bộ như Tiếng Dân, Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn họp tại đây và đưa ra yêu sách về quyền tự do báo chí.
Năm 1944, cũng tại đây, Hội Truyền bá quốc ngữ tổ chức một cuộc họp lớn với đông đảo học sinh và trí thức để cổ động việc nâng cao dân trí và cải thiện dân sinh.
Đây cũng là nơi tổ chức các buổi diễn thuyết, giới thiệu những công trình nghiên cứu, tác phẩm mới về văn chương. Hội Quảng Tri hoạt động đến năm 1968 thì suy yếu, sau năm 1975 hội giải tán.
Ngôi nhà này sau năm 1975 được giao Phòng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp TP Huế. Năm 1989 giao Thành đoàn Huế làm Nhà văn hóa Thanh niên. Đến năm 2004, UBND P.Phú Hòa chuyển về đây.
Ngôi nhà chính được cải tạo để phù hợp công năng mới. Còn lại hội trường và chiếc cổng nguyên gốc của Hội Quảng Tri vẫn được giữ đến nay. Mới đây, UBND P.Phú Hòa đã đề xuất với UBND TP Huế cho phá dỡ trụ sở hiện tại.
................................................................................
Tác giả: An Bang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét