Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

AI GIẾT BÀNG THỐNG?

   


     Nói đến vị quân sư có tài điều binh khiển tướng, hô phong hoán vũ trong bộ truyện Tam Quốc Chí, mọi người sẽ nghĩ ngay đến nhân vật lẫy lừng, gần như là trung tâm của bộ truyện. Đó là Khổng Minh. Với bộ óc siêu việt, tài thần cơ diệu đoán, mưu trí cực kỳ linh hoạt, nhìn xa hiểu rộng đã làm cho đối thủ không chết thì cũng cóng tay khuỵu gối. Một nhân vật đã từng làm cho bao thế hệ phải say mê và trở thành huyền thoại trong lịch sử Trung Quốc.

                              Hình 01. Khổng Minh. Dựa theo Wikipedia.


        Lưu Bị  khởi nghiệp cũng khá lận đận. Đã từng cất bước nương tựa dưới trướng khá nhiều người. Nào là Lữ Bố, Tào Tháo, Viên Thiệu và Lưu Biểu....Trong những thời gian giả nai nấp bóng đó, Lưu Bị cũng ra sức cầu hiền. Với danh nghĩa con cháu nhà Hán muốn phục dựng cơ đồ nên Lưu Bị rất có chính danh và đã được nhiều người ủng hộ. Về võ khá hùng mạnh với những nhân vật kiệt xuất như: Quan Công, Trương Phi, Triệu tử Long, Mã Siêu... Nhưng giới mưu sĩ thì vẫn chưa thu phục được ai là có tầm cỡ ngoài Từ Thứ. Mặc dầu Tư mã Đức Tháo không ra giúp nhưng cũng có lời nói với Lưu Bị. Nếu cầu được một trong hai nhân vật Phục Long hoặc Phượng Sồ thì sẽ bình được thiên hạ. Nghe thì như vậy nhưng phải chờ tới khi Từ Thứ qui Tào vào phút chót đã quay lại tiến cử Khổng Minh. Một nhân vật tài ba nhất đương thời đang ẩn dật ở núi Ngọa Long. Sau đó Lưu Bị lại có dịp gặp Tư Mã Huy, Thôi Châu Bình, Thạch Quảng Nguyên và Mạnh Công Thành. Những ẩn sĩ này, người ca ngợi có người không. Nhưng tựu chung đều tỏ thái độ coi trọng tài năng trí tuệ của Khổng Minh. Việc này càng làm cho Lưu Bị nức lòng và hiểu rằng có được một vị Quân sư giỏi là điều cốt lõi không thể thiếu cho việc dựng nghiệp nên đã hạ quyết tâm tìm bằng được Khổng Minh. Ba lần hạ cố đến núi Ngọa Long để thỉnh. Họ Lưu phải chịu đựng biết bao nỗi nhọc nhằn lao khổ, nhịn nhục. Việc đó chứng tỏ Lưu Bị quyết tâm đến chừng nào. 


      Hình 02. Lưu Bị. Họa sĩ Diêm lập bản đời Đường vẽ. Dựa theo Wikipedia.


          Với một người như Khổng Minh, làm sao lại không biết chuyện Lưu Bị đến cầu mình. Nhất là khi Từ Thứ ghé thăm và khuyên ông ra giúp Lưu Bị. Cái chuyện Khổng Minh cố tình khệnh khạng, ra cái điều ta đây, làm khó dễ cũng là hình thức ông dò xem cách xử trí và tính khí của đối tượng ra sao. Có xứng đáng để mà bỏ công sức theo phò không? Những hành cử lừng khừng, cao ngạo đó phải chăng ngoài sự kích thích sự ham muốn sở hữu, làm tăng thêm giá trị phẩm giá của mình và muốn cho Lưu Bị nhận thức được việc cầu hiền gặp muôn vàn khó khăn không phải dễ. Không thể mua chuộc nhân tài bằng vật chất hay dùng sự quyền lực để áp chế mà phải dùng tình cảm, phải luôn mềm mỏng, nhẫn nhịn và chân tình mới mong có thành quả... Chắc chắn một điều là Khổng Minh muốn Lưu Bị phải khẩu phục lẫn tâm phục ngay từ thuở ban đầu và gặp được mình giống như cá gặp nước. Rắp tâm như thế nên những chuyện làm cho Lưu Bị phải choáng ngợp trước phong cách siêu phàm cùng bày tỏ những sách lược và tài kinh bang tế thế của mình là điều cần làm. Khổng Minh đưa ra tấm bản đồ mà ông đã đích thân vẽ và nghiên cứu rất kỹ lưỡng về mọi địa hình địa vật của 54 Châu ở Tây Xuyên. Dựa vào thực tế đang diễn tiến và việc giả định khái quát trên tấm bản đồ. Khổng Minh đã đem phân tích trình bày cặn kẽ, chỉ ra sự lợi hại cùng tính ưu việt ở kế sách chia ba thiên hạ của mình cho Lưu Bị tỏ tường. Phía Bắc nhường cho Tào Tháo chiếm lấy thiên thời. Phía Nam thì phải chấp nhận cho Tôn Quyền chiếm hữu cái địa lợi. Hiện chỉ còn mỗi cái thế Nhân hòa còn bỏ ngỏ. Lưu Bị phải chiếm lấy để dựa vào đó mà dựng nghiệp. Đó cũng là con đường duy nhất để tạo ra thế chân vạc vững chắc để tranh chấp với Ngụy và Ngô. Muốn thế, trước hết phải làm sao chiếm được Kinh Châu làm nơi trú thân, sau đó sẽ dần chiếm lấy Tây Xuyên. 
      Lần đầu tiên gặp Lưu Bị là đối tượng sắp theo phò và đối tượng này cũng chính là người nắm trong tay quyền sinh sát cái bổn mạng của mình trong tương lai. Hiểu như thế nên Khổng Minh không ngừng phô diễn tài năng thao lược và trí tuệ của mình để cho Lưu Bị phải khẩu phục tâm phục. Ông còn vẽ lên một tương lai thật sáng lạn, đánh vào lòng ham muốn phục hồi nhà Hán của Lưu Bị, khi đang khi còn bơ vơ chưa có một mảnh đất cắm dùi. Cũng như gieo vào đầu Lưu Bị một ý tưởng là luôn luôn phải cần có mình bên cạnh, nếu rời ra sẽ chết ngay!
      Việc lý giải cái thế chân vạc rất có khoa học, hợp tình hợp lý ấy chẳng qua cũng chỉ là mặt nổi cho việc rời khỏi lều tranh được chính danh. Cái sâu xa, cốt lõi của Khổng Minh là chọn sách lược thiên hạ luôn bất ổn, tạo ra sự mâu thuẫn tranh chấp không ngừng giữa Thục, Ngụy và Ngô để mà an thân. Một vỏ bọc mà suốt đời ông tuân thủ. Khổng Minh quá hiểu chuyện khi còn tranh chấp, chưa xây dựng được cơ đồ thì Vua còn cần bầy tôi giỏi, đến khi đất nước yên ả, thanh bình bầy tôi giỏi là người làm Vua sợ, vì thế mà bầy tôi phải chết đi cho Vua yên tâm. Những tấm gương người xưa sờ sờ trước mắt làm sao Khổng Minh không thấy. 
        Về chuyện tại sao Khổng Minh không chọn Ngụy, mà luôn chọn Đông Ngô để làm chỗ dựa và hòa hoãn. Rất đơn giản. Nếu chọn Ngụy đang có Vua trong tay, sẽ trở thành Chư hầu và phải luôn tuân mệnh. Trong khi Lưu Bị đang giương cao ngọn cờ phục Hán thì càng không thể. Với cái thế thiên hạ còn bấp bênh, cục diện chưa rõ ràng, còn đang xảy ra tranh dành lãnh địa với nhau thì chuyện chọn hòa hoãn với một vùng lãnh thổ cũng đang trong thế muốn dành lấy sự tự chủ như Đông Ngô sẽ dễ dàng thực hiện hơn. Và cũng chỉ có việc bắt tay với Ngô mới đẩy cục diện vào thế tam phân, chia ba chân vạc mà thôi. Do đó khi Tào Tháo kéo binh đánh Ngô. Nguy cơ Đông Ngô bị diệt vong làm ảnh hưởng đến kế sách của mình nên Khổng Minh không quan ngại đến sự an nguy tính mạng, đã đích thân sang Đông Ngô để cùng nhau chống lại quân Ngụy, mặc dù biết rằng bên cạnh là một vị Đô đốc Chu Du đầy quyền lực luôn luôn muốn hãm hại đưa mình vào chỗ chết. 
     Tất cả những chuyện như mượn rồi trì hoãn trả Kinh Châu, sang Đông Ngô hiệp lực đánh Tào, rồi việc cử Quan Công chẹn Tào Tháo ở Hoa Dung Đạo, bày mưu tính kế chiếm Thục, cùng sáu lần xuất quân ra Kỳ Sơn, có một lần nếu Khổng Minh liều mang nghe theo Ngụy Diên biết đâu lại chiếm được Hứa Đô. Khổng Minh lại trì hoãn, chậm chạp cho qua hoặc giả có lúc nếu bắt tay liên kết hay làm lơ thì một bên sẽ bị diệt vong. Khổng Minh khoanh tay đứng nhìn...với lý lẽ để hai bên đánh nhau mình hưởng lợi. Tất cả đều có bóng dáng của Khổng Minh, cho đến lúc chết ông luôn luôn dùng chữ mệnh trời để giải thích cho những việc xảy ra... 
     " Quyết sách Long Trung " của Khổng Minh bắt đầu rạn vỡ kể từ lúc túi gấm " Bắc cự Tào Tháo, Đông hòa Tôn Quyền " của ông trao cho Quan Công nhưng lại không được thực hiện bởi tính kiêu căng, hữu dũng vô mưu của Quan Công. Sự việc tắc trách này đã dẫn đến chuyện không những mất Kinh Châu mà Quan Công còn bị Lã Mông bắt và cắt đầu dâng cho Tào Tháo làm quà để lấy lòng mưu cầu hòa hoãn. Hậu quả tiếp đó là Trương Phi bị ám toán chết và đoàn đại quân của Lưu Bị đi phạt Ngô trả thù cho hai người em kết nghĩa cũng bị Lục Tốn đốt cho một trận tan tành... Cái thế chia ba chân vạc sau mấy chục năm thực hiện đã bị lung lay...bởi những người mà Khổng Minh từng đặt niềm tin, nay không còn lắng nghe và làm theo nữa. Phải chăng đó là " Mệnh trời ". 
     Nói tóm lại. Khổng Minh đã chọn và mượn tay Lưu Bị để thực hiện kế sách của mình. Bắt nguồn từ ngọn lửa ở đồi Bác Vọng, Tân Dã, rồi chuyện cướp trước mượn sau Kinh Châu để dung thân, cầu gió đông ở Xích Bích, ra tay chiếm Tây Xuyên và nhận con côi ở Bạch Đế thành. Những thành công vang dội, lẫy lừng, qua các diễn tiến ở từng giai đoạn là những nhân tố làm sáng tỏ cho kế sách lớn mà ông đã hoạch định từ lúc còn nằm gác tay ngâm vịnh trên núi Ngọa Long Cương. Khổng Minh quả là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Cũng phải nói! Nếu nhìn về mặt phục hưng nhà Hán thì Khổng Minh không thành công. Nhưng nếu so về tính yên thân và muợn tay người để thực hiện kế sách cho mình đã hoạch định khi còn ở Long Trung thì Khổng Minh đã không thất bại cho đến khi ngọn nến bản mệnh bị tắt bởi vạt áo Ngụy Diên ở gò Ngũ Trượng.

     Trở lại chuyện Bàng Thống. Trong bộ truyện đa phần chỉ thấy nhắc đến tên còn chuyện mưu thần chước quỉ thì rất ít. Không thấy nói rõ về tài năng cũng như mưu lược một cách cụ thể. Ngoài cái mưu khóa thuyền quân Tào ở trận Xích Bích, giúp Từ Thứ thoát khỏi trận Xích Bích, nhưng lại không biết làm sao rút chân ra sau lại phải nhờ đến Từ Thứ giúp. Còn lại chỉ có một vài chuyện làm cho mọi người nhớ đến Bàng Thống. Đó là chuyện ông đến gặp Tư Mã Huy đàm luận, rồi chuyện giải quyết công việc chớp nhoáng ở huyện Lỗi Dương khi bị Trương Phi hoạnh họe. Bàn với Pháp Chính giết Lưu Chương nhưng bị Lưu Bị bác bỏ. Vụ việc này đâu phải là Lưu Bị không muốn giết Lưu Chương để đoạt lấy Ích Châu, nhưng vì có tính cẩn trọng và nhận thấy sự việc chưa chín mùi nên không dám hành động, chứ chưa hẳn đã là sợ mất Nhân hòa mà không thực hiện. 
     Chuyện họ Bàng bày mưu ràng những chiến thuyền của quân Ngụy vào với nhau thành từng mảng lớn cho binh sĩ phương Bắc không quen thủy chiến dễ dàng đi lại ở trên sông, nhưng lại là điều tối kỵ nếu bị đối phương tập kích bằng hỏa công, cũng đâu có qua mặt được họ Tào. Sở dĩ Tào Tháo đồng ý cho khóa thuyền lại với nhau bởi vì ông ta cho rằng với thời tiết vào mùa đó không thể nào có trận gió Đông lớn để cho đối phương lợi dụng mà tập kích bằng hoả công vào quân Ngụy cho được. Và nếu không có Chu Du nhúng tay vào giết được Thái Mạo, Trương Doãn là hai tướng thiện về thủy chiến vừa mới quy hàng đang huấn luyện thủy chiến cho quân Tào. Cùng việc Khổng Minh không cầu đảo được trận gió Đông và Hoàng Cái dùng " khổ nhục kế ", hẹn cướp đoàn thuyền chở lương thảo sang hàng...v..v... thì chưa chắc mưu khóa thuyền của Bàng Thống đã có hiệu quả. Nhiều khi còn trở thành cái vạ cho Đông Ngô không chừng! 
      Nên nhớ, chuyện khóa thuyền này chỉ là một mắt trong chuỗi mắt xích dẫn đến chiến thắng quân Ngụy trong trận Xích Bích! Nó không phải là nhân tố quyết định. Điều quyết định đã nằm gọn trong lòng bàn tay những bậc đại trí mưu lược Thục, Ngô xòe ra cùng một chữ " HỎA ". 



                          Hình 03. Bàng Thống. Dựa theo Wikipedia.


      Khi Bàng Thống diện kiến. Lưu Bị nản lòng không muốn sử dụng vì thấy tướng mạo quá xấu xí, nhưng vì nhớ đến câu nói của Tư Mã Đức Tháo nếu được một trong hai Phục Long, Phượng Sồ nên tạm dùng, nhưng không sử dụng làm mưu sĩ mà cử đi giữ chức Tri Huyện Lỗi Dương. Khi Trương Phi về kể lại tài năng phán đoán của Bàng Thống.  Lưu Bị hơi giật mình. Rồi Khổng Minh về hỏi Bàng Thống đâu sao không dùng ngay. Lúc đó Bàng Thống mới đưa thư tiến cử của khổng Minh, Lỗ Túc ra, Lưu Bị thấy hối, giả lả gọi ngay là Bàng Quân sư.
     Bắt đầu từ lúc này Lưu Bị nảy sinh ý tưởng dùng Bàng Thống làm đối trọng với Khổng Minh. Muốn cho mọi người thấy rằng trên cõi đời này không phải chỉ có một mình Khổng Minh mà còn có Bàng Thống nữa.
    Của tội từ trước tới giờ Lưu Bị cứ phải răm rắp nghe theo lời Khổng Minh. Làm Chủ tướng mà cứ nhất nhất không dám hó hé nửa lời thì cũng ấm ức trong lòng thật. Nhìn về phía tướng sĩ từ trên xuống dưới nghe đến tên Khổng Minh là phục lăn. Một đại công thần, cũng là cái gai trước mắt, đâm ra lo sợ bị soán ngôi. Bằng chứng là trước lúc lâm chung ở Bạch Đế thành. Lưu Bị bảo Khổng Minh phế Lưu Thiện đi để lên ngôi. Khổng Minh phải thề tận trung với ấu Chúa Lưu Bị mới chịu nhắm mắt xuôi tay. Qua bao năm cứ như cái bóng phải lẽo đẽo theo sau Khổng Minh nên tâm lý của Lưu Bị cũng có phần cảm thấy bực bội, nhưng vì đại cục nên cứ phải chịu. Mặc cảm thua kém luôn ám ảnh, đeo bám suốt. Làm sao tránh khỏi chuyện muốn muốn vượt thoát ra khỏi chuyện này. Cái sự đố kỵ nằm trong tiềm thức này càng lớn mạnh theo năm tháng. Kể từ khi có Bàng Thống trong tay. Lưu Bị nảy sinh chuyện không muốn bị ràng buộc nhiều vào Khổng Minh nữa. Cho nên mới có cái chuyện ăn cùng mâm ngủ cùng giường cả ngày đàm luận với Bàng Thống không biết mệt tạo sự thân tình ruột thịt là vậy. Một sự lấy lòng, ưu ái với người mới cũng là diều dễ hiểu và không thể tránh khỏi. Có mới nới cũ là thường tình. Cái gì mới mẻ vẫn thú vị hơn. Chưa ai biết rõ ai nên tha hồ mà nói và nhiều điều muốn bày tỏ cùng nhau. Đó là tâm lý.
      Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Cái ý đồ không mấy gì là vui vẻ cho lắm của Lưu Bị được bộc lộ khi cử Bàng Thống đi chiếm Tây Xuyên để Khổng Minh ở lại giữ Kinh Châu. Mục đích của Lưu Bị là muốn cho Bàng Thống lập lên công trạng lớn, từ đó mới có cớ đưa lên và phân công cắt giảm bớt quyền hạn của Khổng Minh.

      Chuyện xảy ra sờ sờ trước mắt làm sao mà Khổng Minh lại không biết.
      Khổng Minh đi guốc vào lòng Lưu Bị nữa là đàng khác. Khổng Minh cũng là người, đương nhiên phải lo sợ trước cái chuyện bị thất sủng kéo theo bao chuyện không hay sẽ xảy đến cho gia đình và bản thân. Mặc dầu chưa xảy ra ngay vào lúc này nhưng về lâu về dài ai biết được sự thể sẽ xoay vần ra sao! Cả bao nhiêu năm trời đi theo phục vụ dưới trướng. Từ thuở Lưu Bị còn trắng tay trải qua bao nhiêu khổ ải thăng trầm nay đã có sự nghiệp trong tay chẳng lẽ để người khác vào tọa hưởng. Chính vì cái lẽ an nguy đó mà Khổng Minh phải dè chừng. Mất lòng Tướng sĩ không đáng sợ. Mất lòng Vua thì coi chừng mất chỗ đội nón như chơi. Gương bao đời còn sờ sờ ra đó, bảo sao Khổng Minh lại không rét. Nhưng với con người cơ mưu thần sầu quỉ khốc này đâu dễ gì bó tay. Phải tìm cách đối phó và nằm im ngậm bồ hòn làm ngọt chờ dịp thuận lợi…
       Cơ hội đã đến khi Lưu Bị đem quân tới đánh chiếm Lạc Thành…Hai bên còn đang trong thế giằng co. Lưu Bị muốn đánh mạnh, tiến nhanh,  nên bàn với Bàng Thống tìm cách giải quyết sao cho mau chóng.
      Đang khi sắp dốc đại quân quyết chiếm Lạc Thành thì Lưu Bị nhận được một lá thư của Khổng Minh từ Kinh Châu gởi tới. Trong thư có nói rằng ông đã tính sao Thái Ất thấy được những điềm xấu chỉ vào việc quân cơ và xâm phạm vào khu vực có chùm sao rất bất lợi cho bản mệnh tướng súy và khuyên Lưu Bị phải cẩn thận không nên động binh vội.
      Mặc dầu bức tâm thư chính danh là gởi cho Lưu Bị, nhưng chẳng khác gì gởi trực tiếp cho Bàng Thống. Làm sao mà Lưu Bị không đem ra giãi bày với Bàng Quân sư. Một chiêu khích tướng của Khổng Minh quả là thâm hiểm. Đợi lúc đối tượng đang hăng hái muốn lập công mà ông lại bảo người ta dừng. Ai mà nghe cho nổi. Đó cũng là điều Khổng Minh muốn…
      Chính lá thư này đã đưa Bàng Thống vào thế khó xử.
      -  Nếu nghe theo lời Khổng Minh thì chẳng khác gì mình dưới cơ. Không biết gì hết, phải đợi cho người ta nhắc nhở mới hay. Thế thì quá kém.
      -  Không nghe, cố đi đánh. Chắc chắn sẽ nguy hiểm tới tính mạng.
      Cuối cùng Bàng Thống phải chọn cách đi vào chỗ chết để tìm đường sống, quyết tâm ra trận, không nghe theo lời khuyên can của Khổng Minh và hậu quả là đã bị chết dưới loạn tên của Trương Nhiệm trên gò Lạc Phượng.
      Cái chết của Bàng Thống do đâu? Có phải kém tài? Hay biết mà không thể tránh?
      * Có tài. Biết chết cũng phải đi để giữ uy tín. Thoát được sẽ tha hồ ăn nói. Nếu có chết vẫn được kính nể thương tiếc.
      * Kém tài. Sẽ không thấy được cái thế bất lợi, bất kể an nguy đánh càn không suy xét chắc chắn sẽ lãnh hậu quả không tốt. 
       
      
      Phải nói là khổng Minh quá giỏi, diệu đoán như thần, nhìn xa hiểu rộng và nắm rất rõ địa hình địa vật từng nơi, từng chốn đất Tây Xuyên. Biết lúc nào cần thiết để du đối phương vào chốn mũi tên đầu đạn. Trước đó đã xảy ra bao nhiêu trận đánh mà ông ta vẫn im không nói năng gì. Nhưng khi đánh Lạc Thành, nơi có cái địa thế hiểm trở dễ bị phục binh nếu không nghiên cứu kỹ địa hình. Lúc này thì Khổng Minh mới ra tay khích tướng để cho Bàng Thống không thể từ chối mà phải lăn xả.   
    Nếu nghiền ngẫm kỹ Tam Quốc Chí chắc ai cũng thấy được sự thâm hiểm của Khổng Minh. Ông ta có một chiêu thức là chuyên dùng thư tín, phao tin, khích tướng đưa đối phương vào tròng. Một cách bức tử thật nhẹ nhàng, không hao tốn đến binh lực mà lại rất hiệu quả. Đã trúng kế của Khổng Minh. Trời không ra tay cứu giúp như chuyện cha con Tư Mã Ý bị đốt ở Thượng Phương Cốc thì chỉ có mà vào cửa tử.
       Đối với trường hợp của Bàng Thống cũng vậy. Chiêu thức cũ. Đúng thời điểm. Bức tâm thư cứ như là máu chảy ruột mềm kia đã đưa Bàng Thống vào chỗ chết không thể oán và cũng không sao thoát ra được. Cứ xem tấm gương Chu Du, Tào Chân cùng Tư Mã Ý...v.v... ra sao sẽ hiểu Khổng Minh…
       
      Có một vấn đề được nêu ra là. Nếu Khổng Minh ganh ghét, không ưa muốn giết Bàng Thống, vậy sao lại đi tiến cử cho Lưu Bị?
  Việc này cũng đơn giản.
 - Thật tình thì Khổng Minh cũng muốn Bàng Thống về với Lưu Bị phụ giúp với mình trong ban tham mưu.
- Khổng Minh nhiệt tình giới thiệu vì lúc đó Bàng Thống còn ở xa chưa có va chạm.
- Khổng Minh nghĩ rằng Lưu Bị cũng chỉ xem Bàng Thống như những mưu sĩ khác, vẫn phải chịu dưới trướng của Khổng Minh.
- Không ngờ sự việc thực tế nó lại khác hẳn. Việc Lưu Bị tỏ thái độ ưu ái Bàng Thống ra mặt. Xem Bàng Thống như một vị cứu tinh. Một ngôi sao mới có thể thay thế Khổng Minh. Chính điều này làm cho Khổng Minh giật mình!
- Chính thái độ của Lưu Bị là nguyên nhân chính đưa Bàng Thống vào chỗ chết!
- Một rừng không thể hai cọp!
- Sự yêu ghét bầy tôi của vua sẽ là cái mầm mống nguy hiểm cho người bị thất sủng! Hỏi như thế Khổng Minh có an tâm không? Vì vậy mà chuyện gì đến nó phải đến. Khổng Minh cũng chỉ là con người mà thôi!

      Tóm lại.
* Người đưa Bàng Quân sư vào chỗ chết chính là Lưu Bị. 
* Người đẩy Bàng Thống ra trước mũi tên hòn đạn là Khổng Minh. 
* Người trực tiếp thi hành án tử là Trương Nhiệm.
* Cái đau cho Bàng Thống là biết mà không tránh được vì rơi vào cái thế "triệt buộc" của Khổng Minh gài. Đành phải chịu thiệt thân.

Cauminhngoc
01/9/2013


Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

ỨC TẦN NGA ( Lý Bạch )

憶 秦 娥  (秋 思 ) 
                李 白
簫 聲 咽
秦 娥 夢 秦 樓 月
秦 樓 月
年 年 栁 色
灞 陵 傷 別
樂 遊 原 上 清 秋 節
咸 陽 古 道 音 塵
音 塵
西 風 殘 照
漢 家 陵 闕

ÂM.
ỨC TẦN NGA  (Thu tứ )
                  Lý Bạch.

Tiêu thanh yết,
Tần Nga mộng đoạn Tần lâu nguyệt.
Tần lâu nguyệt,
Niên niên liễu sắc,
Bá lăng thương biệt.
Lạc du nguyên thượng thanh thu tiết,
Hàm dương cổ đạo âm trần tuyệt;
Âm trần tuyết,
Tây phong tàn chiếu.
Hán gia lăng quyết.
NGHĨA.
Tiếng sáo véo von, thức tỉnh,
 Tần Nga(1)giấc mộng trăng lầu Tần;
Trăng lầu Tần luôn luôn chiếu vào bóng liễu bên cầu.
Bá Lăng (2)nơi làm cho người ta đau đớn vì ly biệt. 
Trên gò lạc Du (3),lúc tiết Thu êm dịu.
Lối cũ về Hàm Dương (4)vắng biệt âm thư.
Vắng âm thư lại thấy cửa lăng nhà Hán, gió tây thổi lạnh, mặt trời chiếu xuyên quai.
Chú giải.
1)- Tần Nga tên Lộng Ngọc công chúa, con Mục công nhà Tần, kết duyên với Tiêu Sử.vì mê điệu ống tiêu chàng thổi.
2)- Bá lăng tức là cầu Bá Kiều ở phía đông Trường An.Đời nhà Hán người ta đưa khách tới cầu ấy bẻ nhánh liễu để tặng biệt.
3)- Lạc Du là gò cao gần Trường An, vua Hán Tuyên Đế lập miếu ở trên,thờng năm giai tiết người du ngoạn đen dâng lễ cúng.
4)- Hàm Dương tên cửa ải ở phía nam Trung Hoa.
ỨC TẦN NGA  ( Thu tứ )
a ) Ức – Tần Nga nghĩa là nhớ nàng Tần Nga. Điệu này sách thì nói do Lý vệ Công đặt, sách thì nói khắc tại núi Vô đương, sách thì nói của Lý Bạch.Không biết sách nào đúng.Nhưng chắc là một từ khúc đời Vãng Dương, điệu này với điệu Bồ tát man đều là rất xưa và là tổ của Từ khúc.
B ) Tả tứ mùa Thu.
Tác giả không rõ.
Toàn bộ phần trên này dựa theo báo France-Asie. Saigon Việt Nam. No 1. Tome I. Septembre 1954. Trang 30 – 31 – 32. Phẩn chữ Hán sử dụng theo http://hannom.huecit.vn/

Hình 01. Mặt trước quyển báo.

Hình 02. mặt sau quyển báo.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI DỊCH RA THỂ THƠ LỤC BÁT CỦA GIÁO SƯ BỬU CẦM.

Hình 03. Bản dịch và thủ bút của GS. Bửu Cầm.


          NHỚ TẦN NGA.
Tiếng tiêu nức nở u sầu,
Tần Nga mộng tỉnh Tần lâu trăng tà.
Trăng lầu Tần tháng năm qua
Soi màu liễu biếc thướt tha bên cầu.
Bá Lăng ly biệt thương đau.
Lạc du thắng cảnh, khí thâu dịu dàng
Trông về nẻo cũ Hàm Dương,
Âm thư vắng bặt con đường quạnh hiu.
Gió tây gợi nỗi cô liêu.
Cửa lăng nhà Hán ánh chiều thướt tha.
                                       Bửu Cầm.

Nhân dịp mở xem cuốn báo France – Asie. Thấy trong đó có một tờ giấy viết bằng bút chì dịch bài thi “ ỨC TẦN NGA ” của Giáo sư Bửu Cầm. Theo như bút tích để lại trên tờ giấy của Giáo sư, tôi cho là một giây phút nhàn rỗi ông đã dịch bài này. Chưa rõ là dịch năm nào, đã hoàn chỉnh hoặc cho đăng tải trên những phương tiện báo chí nào chưa. Nhưng Giáo Sư đã khuất núi thành ra không biết giải quyết ra sao. Nay tôi xin phép vong hồn Giáo Sư đăng lên cho mọi người thưởng thức để khỏi mai một.
Cauminhngoc.
28/8/2013. 

TẠI SAO TÀO THÁO LẠI CỐ TÌNH GIẾT NGŨ BÁ XA?

        LÒNG NHÂN CỦA KẺ LÀM CHÍNH TRỊ?


       Câu nói: “ Thà mình phụ người, hơn là để người phụ mình ”. Một câu nói vị mình là hơn cả rất nổi tiếng của Tào Tháo. Một nhân vật lẫy lừng trong bộ truyện Tam Quốc Chí . Ai đã từng nghiền ngẫm bộ truyện này đều không thể quên. Phải chăng họ Tào nói câu đó để biện minh cho hành động của kẻ ác nhân hay còn một lý do nhân đạo nào khác?
        Câu chuyện xảy ra trong bộ truyện Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa của tác giả La quán Trung. Khi họ Tào hiến đao giết hụt Đổng Trác. Trên đường chạy trốn đã bị lính của Trần Cung lúc đó đang giữ chức Tri huyện Huyện Trung Quận bắt được. Thực chất là Trần Cũng cũng đã biết qua Tào Tháo từ trước nhưng chưa có dịp đàm đạo. Nay được dịp trao đổi và đã thấy được nghĩa cử hào hùng của họ Tào nên từ bỏ tất cả để đi theo phò.
        Hai người cùng nhau chạy trốn. Khi tới đất Thành Cao thì trời vừa tối. Tào Tháo rủ Trần Cung cùng vào xin tá túc qua đêm ở nhà một người bạn của cha mình tên là Ngũ bá Xa. Gặp nhau đàm đạo. Ngũ bá Xa cho biết là Đổng Trác chỉ thị vẽ hình Tào Tháo dán khắp nơi để truy nã và gia đình Tào Tháo đã chạy thoát qua Trần Lưu để lánh nạn hết rồi. Tào Tháo cũng đem chuyện thích khách họ Đổng kể hết mọi sự cho Ngũ bá Xa nghe và trên đường trốn chạy đã gặp Trần Cung ra sao. Sau một hồi đàm đạo. Ngũ bá Xa vào trong nhà dặn dò gia nhân rồi bước ra nói với Tào Tháo và Trần Cung rằng trong nhà không có rựu ngon nên để qua xóm bên mua một ít về nhắm. Nói xong cỡi La đi liền. Tào Tháo cùng Trần Cung ngồi một lúc lâu. Bỗng nghe phía sau nhà có tiếng mài dao. Hai người đang tỏ ý nghi ngờ về thái độ của Ngũ bá Xa nay lại nghe tiếng mài dao, cả hai cùng lặng lẽ lẻn ra phía sau dò xét thì nghe:
 - Bắt nó rồi trói lại.
         Không còn nghi ngờ gì nữa. Như vậy là Ngũ bá Xa đi báo quan còn đám gia nhân này muốn giết mình.  Hai người xông vào nhà trong, gặp bất cứ già trẻ gì đều giết hết. Tất cả tám mạng người. Khi xuống đến bếp thì bắt gặp một con heo bị trói nằm đó. Cả hai biết mình giết nhầm người tốt. Lập tức lên ngựa chạy trốn. Đi chưa được bao xa thì thấy Ngũ bá Xa cỡi La dủng đỉnh trở về. Ngũ bá Xa hỏi sao không ở lại. Tào Tháo trả lời vì có tội nên không dám ở lâu. Nói rồi cáo từ ra đi. Đi một một vài bước. Tào Tháo quay ngựa chạy lại nói với Ngũ bá Xa rằng có người ở phía sau lưng. Ngũ bá Xa vừa quay lại xem sao. Tào Tháo vung gươm giết luôn.
       Trần Cung kinh sợ vội hỏi:
- Vừa rồi đã giết oan tám mạng người, bây giờ còn giết nữa sao?
       Tào Tháo đáp.
- Nếu để Bá Xa về thấy cái cảnh toàn gia bị giết, ắt là hắn phải hô hoán lên thì lúc đó ta chạy đâu cho thoát?
        Trần Cung nói:
- Mình đã biết là giết oan mà còn giết nữa là bất nghĩa lắm.
         Tào Tháo nói:
- Thà là mình phụ người còn hơn là để người phụ mình.
Sau đó Trần Cung định giết Tào Tháo nhưng không thực hiện và bỏ đi.

         Câu chuyện xảy ra thật thương tâm. Ai cũng thấy cái ác tâm của Tào Tháo cộng thêm câu nói càng làm tăng thêm tính gian hùng. Đó là câu chuyện trong tiểu thuyết, tính xác thực không rõ như thế nào. Nay ta chỉ dựa vào hư cấu của câu truyện mà bàn thử xem bản chất của sự việc và tâm ý của họ Tào ra sao.

       Theo tôi. Nếu Tào Tháo không giết Ngũ bá Xa để cho ông ta sống. Khi Ngũ bá Xa về nhà sẽ rơi vào ba trường hợp.
- Cực kỳ phẫn uất, đau khổ khi thấy toàn gia bị giết hại.
- Đi báo quan để tố cáo hành vi của hai kẻ thủ ác?
- Tìm Tào Tháo và Trần Cung để trả thù?
Với ba tình huống đó Ngũ bá Xa sẽ xử trí ra sao?
       * Nếu đi báo quan? Như vậy là vì thù nhà mà quên đi đại sự. Người quân tử thời đó thà chịu thiệt về mình chứ không thể hại người đang bị hoạn nạn vì việc đại cục. Huống chi người đang gặp sự cố đó lại là con của người bạn thân. Đi báo quan. Làm như thế là bất nghĩa.
       * Nếu đi tìm Tào Tháo và Trần Cung để trả thù. Chắc chắn là không thể vì tuổi già sức yếu. Biết kẻ thù mà không làm gì được. Như thế là mang tội bất hiếu với tổ tông.
       * Nếu không báo quan, không trả thù được, vẫn sống mà cứ phải ôm những hình ảnh thương tâm canh cánh trong lòng suốt một quãng đời còn lại quả là đau đớn tột cùng, không thể nào nói hết.

        Có phải vì không muốn cho Ngũ bá Xa đau khổ, mang tiếng bất nghĩa và bất hiếu nên Tào Tháo đã ra tay giết luôn, để cho Ngũ bá Xa không bị rơi vào hoàn cảnh cực kỳ đau đớn và khó xử như đã nói trên và nhận hết tội lỗi về phía mình chăng? Hay có thể biện minh  rằng đó là cái bản chất “  Nhân đạo ” của người làm chính trị?
       
       Có lẽ trong cuộc đời cầm quân của Tào Tháo chỉ có Trần Cung và Quan Công là đã theo hắn một thời gian rồi mà dứt áo trốn đi. Còn ra, hầu như những tướng đã về qui thuận dưới trướng của hắn rồi thì đều cúc cung tận mệnh phục vụ, không hề có ý phản lại hoặc bỏ đi với chủ khác. Một cái "tuyệt" rất đáng để suy gẫm về tài thu phục nhân tâm của họ Tào trong bộ Tam Quốc chí.    


Cauminhngoc.
24/8/1013.