“Khi viên đạn xuyên vào một người lính dù thuộc về bên nào đi nữa, thực ra nó đã xuyên vào trái tim một người mẹ”.
( Abraham Lincoln. Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ ).
LTS. Viết để thể hiện sự không bao giờ quên được các bạn trong toán Biệt kích Đại Đội.4/1/1 đã cùng tôi vượt qua những cơn sóng gió trong một khoảnh khắc chuyển mình sang trang của lịch sử...
NHỮNG NGÀY CUỐI THÁNG.3/1975
Ở THỪA THIÊN-HUẾ.Bản đồ số
01. Những ngày cuối cùng ở Thừa Thiên Huế.
Ngày 20/3/1975.
Đã trễ phép thường
niên hơn mười ngày rồi! Không thể chần chừ được nữa. Vì theo luật quá 15 ngày sẽ bị báo cáo đào ngũ!? Tôi chia tay cùng gia đình, mua vé của hãng Hàng Không Dân Sự Việt Nam (Air Viet-Nam) để bay ra Phú
Bài.
Đây là chuyến bay
cuối cùng từ Saigon ra Huế. Khi đáp xuống phi trường Phú Bài. Đa số hành khách không chịu
xuống, cứ ngồi lì lại trên máy bay để quay về lại Saigon luôn.
Sân bay vắng tênh! Chẳng có mấy ai... ngoài chiếc xe đưa đón của hãng Hàng Không Việt Nam đậu gần cầu thang. Tôi và một số hành khách, số lượng không quá hai đầu ngón tay vội vã xách hành lý lên xe rời khỏi phi trường, ai nấy với khuôn mặt căng thẳng lo lắng nặng nề hiu hắt. Vừa chạm với QL.1. Có lẽ, chỉ duy nhất chiếc xe chở chúng tôi là trống trải và chạy ngược chiều ra Huế. Còn lại là đoàn người rồng rắn, lũ lượt tay xách nách mang, bồng bế, cõng nhau bằng mọi phương tiện cấp tập dọc hai bên lề đường, cùng tất bật đổ dồn chạy về hướng Đà Nẵng trông thật nhếch nhác thảm não.
Ra tới Huế tôi thuê xe chạy vội vào nhà người quen ở khu vực cửa Đông Ba gần cống Lương Y, nhưng cả gia đình đã di tản vào Đà Nẵng từ mấy hôm nay rồi, giờ chỉ còn ba người con trai ở lại thu xếp xong cũng phắng luôn. Tôi ở lại nghỉ qua đêm chờ sáng mai vào Trung Đoàn trình diện. Cả một khu xóm đông đúc, vui vẻ giờ vắng tanh, vắng ngắt tối om, chỉ còn ánh đèn đường vàng vọt lờ mờ chỗ sáng chỗ tối loáng thoáng tỏa xuống con đường Nguyễn Thành nằm dọc theo bức tường thành buồn hiu hắt.
Ngày 21/3/1975.
Khoảng hơn 8 giờ sáng vào Trình diện BTL Trung đoàn.1/1 đang đồn trú tại căn cứ Dạ Lê và nhận lại Đại Đội.4/1. Và được biết BTL Sư đoàn.1BB đã bàn giao căn cứ Dạ Lê lại cho Trung Đoàn.1/1 đảm trách để dời vào thành Mang Cá. Và BTL. Tiền Phương Quân Đoàn.I đang ở trong thành Mang Cá cũng đã dời ra cửa biển Thuận An.
Tôi nhận lại Đại
Đội qua sự bàn giao vội vã của thời chiến. Với quân số tác chiến thật thảm hại. Không có Đại Đội Phó.
Các cấp Trung đội Trưởng đa phần là Hạ sĩ quan tạm quyền. Duy nhất có mỗi Chuẩn
úy Tâm mới ra trường làm Trưởng Trung đội.1. Cả Trung Đoàn tác chiến được giao
trọng trách giữ phòng tuyến của cả một Sư Đoàn. Một tuyến phòng thủ rộng lớn, gồm nhiều Binh chủng,
Ban bệ trú đóng san sát kín bưng. Giờ rỗng tuếch rỗng toác. Mỗi chòi gác một người lính
cách nhau hàng trăm mét... đến nhót cả gan bàn chân... Đại Đội dáo dác như
gà lạc mất mẹ.
Ngày 22 – 23/1975.
Tôi được lệnh dẫn Đại Đội rời khỏi căn cứ Dạ Lê ra nằm ở ngôi làng chạy dọc theo QL.1. Khu vực giữa cầu An Nông và Đài phát thanh Hương Thủy. Trong thời gian nằm trực chiến. Tôi nghe rất nhiều tin đồn nhai đi nhai lại.
* BTL Sư Đoàn.1 đã bỏ thành Mang Cá kéo ra vùng cửa biển Thuận An. BCH Nhẹ Quân Đoàn.I trước đó nằm trong Mang Cá kéo ra Thuận An giờ lại rút hẳn vào Đà Nẵng.
Một sự thoái lui rất đáng quan ngại... Một sự di tản chiến thuật xảy ra sờ sờ trước mắt, gây hoang mang không ít cho tinh thần binh sĩ. Không thấy gì, nhưng cứ nghĩ đến cái cảnh nguyên cả bộ sậu của những binh chủng, ban ngành nằm ở căn cứ Dạ Lê to đùng giờ đem nhét vô cái thành Mang Cá bé tẹo. Nó cho thấy sự chật chội và ngập ngụa tràn lan ra bên ngoài, không cách gì che đậy như thế nào. Quần chúng sẽ nghĩ gì? Tâm lý chiến, địch vận của đối phương sẽ khai thác những tình huống đang xảy ra trước mắt, thêm mắm muối xào nấu lại rồi tung ra sẽ gây tác động vào quần chúng đến đâu? Bấy nhiêu đó cũng khiến cho người dân ăn ngủ không yên mất hết cả niềm tin vào chính quyền. Đó cũng chính là nguồn gốc gây hoang mang xáo trộn trong xã hội.
* Cái tôi quan tâm nhất không phải là tình hình chính trị vào lúc này. Mà là những người lính bị thương không có nơi cứu chữa, phải đưa vào BV Trung Ương Huế của dân sự để điều trị. Vì Bệnh viện quân đội Nguyễn Tri Phương nằm trong thành Mang Cá cũng đã dời đi theo Sư Đoàn ra cửa biển Thuận An. Nghĩ tới đó là đủ mất tinh thần rồi! Còn đâu đầu óc mà nghĩ đến chuyện đánh với đấm nữa!? Đó cũng là nỗi ám ảnh lớn nhất cho đám lính chúng tôi vào thời điểm này...
Tiểu đoàn liên lạc qua máy chỉ thị cho Đạị đội.4/1 của tôi kéo về mạn Bắc cầu An Nông. Đặt Ban Chỉ Huy ở ngay đầu cầu, phối hợp cùng với Thiết Giáp trấn giữ và bảo vệ hai cây cầu An Nông và cầu sắt dành cho xe lửa. Khi này hai cây cầu đã được Công Binh cho gài chất nổ sẵn và giao bàn kích nổ cho tôi nắm giữ. Với khẩu lệnh. Trước khi rút phải cho phá hủy hai cây cầu để chặn bước tiến của đối phương, có thể từ vùng Nam Đông- Khê Tre đi theo QL.14 đâm ra... (Xem Bản đồ số. 01)
Ngày 24/3/1975.
Thực hiện đúng theo chỉ thị mới nhất của Tiểu Đoàn.1/1. Hai Đại Đội.4/1 và 2/1 cho rải quân nằm căng ngang ở mạn Bắc sông An Nông. Lấy cầu An Nông làm mốc. Đại đội.4/1 chịu trách nhiệm cánh phải. Từ cầu An Nông qua cầu sắt xe lửa đổ về hướng La Sơn. Đại đội.2/1 chịu trách nhiệm cánh trái từ cầu An Nông xuôi theo giòng chảy. Tất cả bố trí nằm yên đó chờ lệnh trên.
Cầu sắt xe lửa nằm song song với cầu An
Nông ở bên mé La Sơn.
(Ảnh chụp. Tháng. 3/2024)
Từ vài hôm nay! Tôi
nghe được tin Tướng Ngô Quang Trưởng. Tư Lệnh Quân Đoàn.I, được Mỹ mời ra Hạm Đội
họp và giữ lại ở đó luôn, chưa thấy về. Mọi ý kiến xin chỉ thị từ các cấp gọi đến đều nhận được câu trả lời: “Chờ đó! Khi nào có lệnh sẽ
báo!”. Không ai giải quyết, mọi chuyện bị bế tắc...
Đến cả 2 ngày trôi qua rồi mà mọi sự vẫn dặm chân tại chỗ. Thật thê thảm...
*
Khoảng 10 giờ
sáng! Phát hiện có thiết giáp xuất hiện ở mạn La Sơn. Hai chi đội Thiết giáp bảo
vệ cầu An Nông nằm dọc theo QL.1 phía sau lưng tôi và Đại Đội.2 đồng loạt nổ
súng... Và xe tăng xuất hiện ở phía La Sơn cũng bắn đáp trả kịch liệt... Hai
bên bắn nhau khoảng chừng 15 phút thì được báo là bắn lầm. Đơn vị xe tăng nằm
trong Dạ Lê rút ra chứ không phải địch... Đau nhất là Đại đội.2/1 nằm bên cánh
trái cả Đại Đội tôi. Khi bị tăng và thiết giáp ở phía La Sơn bắn quá rát đã phải
rút lui tràn lan trên cánh đồng lúa. Nhóm thiết giáp nằm bảo vệ cầu An Nông nhầm
tưởng là đối phương vượt qua sông Nông để tập kích, liền thi nhau nổ súng... Tôi
liên lạc với Tiểu Đoàn báo cáo là có nổ súng bên cánh Đại đội.2/1. Cho tới khi nhận
được lệnh “ceasefire”. thì Đại đội.2 vừa chết và bị thương hết một mớ...
*
Khoảng tầm quá trưa! Đang cùng BCH Đại Đội ở trong nhà dân bỏ hoang, cách đầu cầu chừng vài trăm mét... Tôi nhận được lệnh. Đến khoảng 18 giờ cho điều hai Trung Đội vào vùng núi Bông bắt tay với Tiểu đoàn.3/1 để dắt họ ra (1). Lý do phải đợi đến tối. Vì Tiểu đoàn.3/1 không thể rút quân vào ban ngày do quá lộ liễu. Đối phương ở trên cao nhìn xuống như nhìn vào lòng bàn tay. Và sẽ chịu không nổi các hỏa lực mạnh, bắn tầm xa như Đại liên phòng không 12ly7 và 82ly không giật từ trên động Truồi nã xuống. Nên phải đợi đến tối mới có thể cho rút quân khỏi ngọn 121 và 303. Đã hơn nửa tháng nay Tiểu Đoàn.3/1 đã nằm chịu trận, đưa đầu chịu báng dưới hỏa lực sấm sét của đối phương. Không có phi pháo yểm trợ. Không có phản pháo để ngăn chặn sự xạ kích đối phương đã dẫn đến việc bị thương vong rất nhiều. Cuối cùng Tiểu Đoàn.3/1 phải quyết định di tản để tránh bị thiệt hại thêm và sẽ di chuyển đổ về hướng căn cứ Dạ Lê.
Hai Trung đội.1 và 3 sẽ do Chuẩn úy Tâm
đảm trách, đã nhận lệnh của tôi chuẩn bị sẵn sàng đợi đúng giờ sẽ hành quân. Nhưng
khoảng mười lăm phút sau thì Tiểu Đoàn gọi máy nói không cần nữa vì Tiểu
Đoàn.3/1 đã tự giải quyết được rồi.
*
Đến khoảng tầm 14 giờ. Trung đội.1 đang gác trên cầu phát hiện ra một nhóm người với trang phục lạ lẩn khuất phía bên kia cầu, theo sau đám lính từ căn cứ Dạ Lê vừa qua dứt nên đã nổ súng nhưng không thấy bắn trả. Tôi chặn hỏi một người lính trong toán người di tản và người này cho biết. Họ đã bị nhóm trinh sát của đối phương bám đuôi ngay từ khi họ rời khỏi căn cứ Dạ Lê nhưng không làm gì được vì họ chỉ lẩn quẩn ở phía sau...
Đứng trước cửa
căn nhà nhìn quanh quất. Lúc này Trung đội.1 chịu trách nhiệm gác trên cầu
cũng đã rút lui về quanh căn nhà hiện tôi đang ở và chỉ cắt một Tiểu đội ở lại
nằm ở ngay đầu cầu dòm ngó về phía bên kia...
Tình hình hoàn toàn bất lợi cho chúng tôi... Ngoài những chuyện. Đụng độ không có pháo binh hay bất cứ một thứ nào khác yểm trợ! Bị thương không nơi cứu chữa! phải dồn cục vào Bệnh Viện Trung Ương Huế thuộc dân sự... cộng với những tin đồn đoán khác không ngớt được rỉ tai trong đơn vị làm cho tinh thần mọi người bị giao động trở nên rất bạc nhược. Rồi tôi lại được các Trung Đội báo cáo cho biết là một số anh em có gia đình ở vùng Hương Điền, Phong Điền...v...v... đã tự ý rời bỏ đơn vị để về xem sự thể gia đình ra sao... Tôi nghe mà lòng buồn rười rượi, chưa biết phải giải quyết bằng cách nào...
Đùng một cái! Nhận được tin Thiết giáp đóng sau lưng rút lui không kèn không trống, chả biết họ đi đâu làm gì, bỏ Đại Đội của tôi nằm trơ vơ một mình tại cầu An Nông! Tôi gọi điện về Tiểu Đoàn hỏi, nhưng cũng vẫn nhận được câu trả lời như tôi đã từng nghe. Không rõ! Cứ chờ đó!
Còn Đại đội.2 sau khi bị thiết giáp bắn lầm cũng đã rời bỏ phòng tuyến bên bờ sông Nông ngay từ lúc đó. Hiện tại chúng tôi chỉ liên lạc với Ban Chỉ Huy Tiểu đoàn.4/1 qua bộ đàm chứ cũng không biết họ đang ở đâu.
Hộp quẹt zippo. Kỷ vật của người viết hiện còn đang lưu giữ.
*
Khoảng 15 giờ.
Tôi hoàn toàn không còn liên lạc được với Tiểu Đoàn.4/1 của mình và các Trung Đội khác ngoài Trung Đội.1.
Bên cạnh tôi lúc này chỉ còn Thượng sĩ Trình, Thường vụ Đại Đội. Trung lùn, người
mang máy PRC.25 và 5 người lính thuộc Ban chỉ huy Đại đội.
Tôi gọi máy cho mời Ch/úy Tâm, Trưởng Trung Đội.1,
người có quê ở Quảng Điền lên họp. Bắt tay từng người và nói với Thượng sĩ
Trình. Chuẩn úy Tâm. Hạ sĩ Nhất, Sanh trưởng toán Biệt kích Đại đội. Cùng những
khuôn mặt hiện diện chung quanh. Tôi nói:
- Tình hình coi bộ không xong rồi! Tất cả mọi sự liên lạc với cấp trên đều không được! Tôi đã cố liên lạc với Tiểu Đoàn nhiều lần nhưng không thấy trả lời. Các đơn vị khác ở chung quanh cũng đã di tản hết... Tất cả đã tự động rã ngũ mà không hề có lấy một phát súng nào giao tranh với đối phương!? Chuyện đáng buồn hơn hết là các Trung Đội cũng đã tự động tan hàng! Chỉ còn lại mỗi Trung Đội.1. Như vậy! hiện giờ Đại Đội chúng ta cũng chẳng còn bao nhiêu người... không thể làm gì được nữa... Tôi nghe tin hiện tại đang có tàu Hải quân đón mọi người di tản để chuyển vào Đà Nẵng! Riêng Trung Đội.1. Anh Tâm về nói cùng họ. Anh em nào có gia đình ở địa phương, có quyền đi về lo cho thân nhân... Khi nào có lệnh thì tập trung lại... Ai muốn theo tôi tìm đường vào Đà Nẵng thì đi...! Chợt Sanh Trưởng toán Biệt kích Đại đội hỏi tôi.
- Còn hai cây cầu thì giải quyết làm sao Tr/úy? Tôi nhìn Sanh lắc đầu nói:
- Thây kệ nó đi! Mình có phá thì công binh của tụi nó bắc lại mấy hồi! Bỏ qua đi!
Hạ sĩ Nhất, Sanh hỏi vì anh là người được tôi giao giữ chiếc bàn bấm kích nổ và chịu trách nhiệm kích nổ hủy diệt hai cây cầu bắc qua sông Nông trước khi rút. Có lẽ vì thế mà Sanh đã nhắc lại xin ý kiến của tôi... Và tôi cũng chẳng rõ Sanh đã làm gì với cái bàn bấm kích nổ đó nữa. Nhưng chắc chắn một điều là hai cây cầu trên sông An Nông vẫn an toàn, đã không bị phá hủy khi cả toán chúng tôi là nhóm người ít ỏi cuối cùng còn lại rời khỏi nơi đó...
Cầu An Nông. Hướng đi về An Cựu.
(Cầu An Nông ngày nay. Ảnh chụp nhân chuyến về
thăm Huế. Tháng 3/2024).
Sau khi nghe tôi trao đổi xong mọi người lặng
lẽ bắt tay nhau rồi rời khỏi căn nhà về tự giải quyết lấy phần của mình theo
như tôi đã nói. Riêng Thượng sĩ Trình Thường vụ Đại Đội buồn bã nắm tay tôi mà
không nói gì. Tôi choàng tay qua vai anh và nói:
- Nhà anh ở Bao
Vinh cũng gần! Thôi anh về xem gia đình ra sao! Hẹn gặp lại... Anh gật đầu lách
mình khỏi tay tôi bước vội ra cửa.
Tôi nghe thấy
tiếng Hạ sĩ Nhất, Sanh đứng bên cạnh nói:
- Ông thày đi
đâu tụi em theo đó! Mình toàn dân Saigon không hà Tr/úy!
Tôi nghe Hạ sĩ Nhất, Sanh nói mà lòng cũng thấy vui vui, cảm thấy bớt cô đơn phần nào. Thực ra, tôi cũng có chút biệt nhãn đối với dân Saigon vì họ cùng cảnh ngộ xa nhà như tôi. Như vậy! tất cả 5 người trong toán Biệt kích Đại Đội và Trung lùn mang máy PRC.25 đều đồng lòng đi theo tôi. Có lẽ vì họ cũng chẳng biết đi đâu bây giờ.
Trước lúc di chuyển. Tôi bước ra ngoài nhìn ra phía chung quanh. Không khí ngột ngạt đầy ắp căng thẳng. Cả vùng đầu cầu vắng tanh, vắng ngắt đến rợn người. Duy nhất người lính biệt kích đứng gác, nấp theo thành cầu dõi về phía bên kia sông. Khắp chốn hầu như không còn một ai kể cả người dân địa phương ngoài nhóm chúng tôi đang ở quanh quất bên căn nhà ven đường QL.1 gần đầu cầu. Tôi nhìn Hạ sĩ Nhất, Sanh cùng mấy người lính đứng gần. Tôi muốn giải thích một lần chót với họ về chuyện chọn hướng đi về cửa biển Thuận An. Vì tôi hiểu, ai cũng biết hiện giờ có tàu Hải quân đang đón những người di tản để chở vào Đà Nẵng, chỉ có điều không rõ sự thể ra sao mà thôi! Nếu đi được về cửa Thuận An thì cơ hội đào thoát của cả bọn chúng tôi sẽ rất khả quan.
Tôi đưa ra quyết định. Tránh không đi theo Quốc Lộ.1 vì đoạn đường vòng quá xa mà quân số chỉ có mấy mạng, bị phát lộ không thể cầm cự chống đỡ, buộc phải chọn đi tắt để rút ngắn thời gian di chuyển ra cửa Thuận An và dễ lẩn tránh nhờ quãng đường xuyên qua làng mạc... Tất cả đều tán đồng với quyết định của tôi mà không có ý kiến gì vì toàn là thuộc cấp, với lại họ đâu biết làm gì ngoài chuyện tuân lệnh.
Như
vậy! Theo dự kiến. Hành trình của chúng tôi sẽ phải đi đánh vòng qua vành đai phi
trường Phú Bài rồi dựa vào đó đi tắt băng xuyên những thôn làng mà ra cửa Thuận
An, cố gắng lẩn tránh tối đa chuyện bị tao ngộ chiến với đối phương...
Toán 7 người chúng tôi được xem là nhóm người cuối cùng rời bỏ tuyến phòng thủ ở cầu An Nông, sau khi gần cả Đại Đội dưới quyền tự rã đám hùa theo Đại Đội.2 và thiết giáp mà chả làm gì được.
Trước khi di chuyển, tôi cho anh em kiểm soát lại vũ khí, cấp số đạn dược mang theo, cố nhặt nhạnh thêm để dự phòng. Chúng tôi cùng nhau lặng lẽ rời khỏi vị trí chiến đấu để tìm đường đào thoát về phía cửa biển Thuận An. Không quên căn dặn mấy người lính đi sau, luôn phải chú ý xem có ai bám đuôi không.
Di chuyển được một đoạn. Cả nhóm tách khỏi QL.1 đi vào một khu làng nhà cửa thưa thớt vắng ngắt, chui qua những khu vườn đi thẳng hướng về phía cửa biển Thuận An... Cứ thế! Đi được chừng hơn ba tiếng thì vượt qua hết vành đai phi trường Phú Bài. Lúc này trời cũng đã xế bóng. Nếu cứ tiếp tục thì sẽ rất dễ bị đi lạc vì trời ban đêm và cái quan trọng nhất là chưa nắm được điểm đứng hiện hữu ở tọa độ nào. Đã thế! Cả toán đi suốt mấy tiếng đồng hồ, chỉ có uống nước cầm hơi chưa có miếng gì vào bụng. Ai nấy cũng thấm mệt và đói nữa!... Thấy tình hình không ổn, với lại cũng cần nghỉ ngơi sau buổi di hành khá dài đầy mệt nhọc, người nào người nấy mồ hôi nhễ nhại, quần áo ướt mèm...
Tôi cho tạm dừng lại. Mọi người tháo balo dựa dẫm vào bờ bụi, thân cây để vừa che dấu, ẩn nấp vừa nghỉ xả hơi lấy sức, nhưng luôn trong tâm trạng cảnh giác vào chung quanh. Trong lúc ngồi nghỉ, tôi bàn cùng anh em đi ngoặt ngược ra lại QL.1 xem sao. Trước mắt kiếm cái gì nhét vào bụng rồi tính sau. Quả thật! đi xuyên suốt một đoạn đường dài không phút ngơi nghỉ dưới cái nắng thiêu đốt oi ả, đã gây cho toán chúng tôi khá là vất vả và mệt mỏi. Dẫu vậy! vẫn cứ phải cố gắng chứ không thể ngừng lại. Mình không tự giúp mình vào lúc này thì chẳng ai có thể cứu được...
Tôi thúc anh em đứng dậy tiếp tục đi, càng sớm gặp được QL.1 càng tốt. Do QL.1 trống trải có nhiều điểm chuẩn. Nên có thể dựa vào đó mà xác định xem điểm đứng của mình hiện đang ở đâu để mà tính tiếp cho đoạn đường sẽ phải đi sắp tới cho kịp trước khi trời tối.
Một lúc sau bọn tôi bắt gặp một con đường đất khá lớn nằm vắt ngang theo chiều Đông-Tây. Một hướng chạy ra biển một hướng chạy ra QL.1. Cả bọn phấn chấn bẻ ngoắt về hướng đi ra QL.1 để tìm chỗ trú chân nghỉ ngơi rồi sẽ liệu tiếp...
*
Chúng tôi ra đến QL.1. Trời đã xâm xẩm tối. Cả đám đứng tản mác bên vệ đường. Tôi móc túi lấy ra một ít tiền. Khoản tiền này do mẹ và người anh ruột đưa cho tôi làm tiền lộ phí khi chia tay cùng gia đình đi ra Huế trả phép. Tôi đưa cho Hạ sĩ Nhất, Sanh và nói với anh ta tìm vào nhà dân ở quanh bên đường hỏi mua con gà hay cái gì đó để nấu ăn cho cả toán và xin họ cho tá túc tạm ngoài hiên.
Qua tiếp xúc với người chủ nhà. Bà cho biết gia
đình đã di tản vào Đà Nẵng hết rồi chỉ còn mình bà ta ở lại trông nom nhà cửa
vườn tược. Bà cũng cho biết nhà bà cách đài phát thanh quận Hương Thủy chừng hơn hai cây số. Và người hàng xóm của bà cho hay là đài phát thanh mới bị Việt Cộng chiếm
đóng hồi trưa. Như vậy! Hướng đi về Thuận An theo QL.1 coi như không thể...
Tôi đang đứng sớ rớ
chưa rõ chuyện gì xảy ra. Bất chợt một vị mang cấp bậc Tr/Tá bước tới. Bắt buộc
tôi phải chào trình diện ông ta theo đúng quân phong quân kỷ. Ông ta hỏi tôi
thuộc đơn vị nào. Tôi trả lời. Sau khi biết được tôi thuộc Tr/đoàn.1. của Đại
Tá Võ Toàn.
Sau khi vị
Tr/Tá đi khỏi! Tôi bước lại gần anh em đang ngồi ăn và nói:
- Vị Tr/Tá này thuộc đơn vị nào không rõ! Nhưng
điều mà ông ta nói Đại Tá Toàn bảo mình phải chờ ông ấy ở đây là điều vô lý, nếu không
muốn nói là ba sạo! Máy PRC.25 của Đại Đội, Trung lùn vẫn mở máy trực 5/5 mà nghe ngóng được tin tức gì đâu
mà nói Đại Tá Toàn bắt mình chờ! Nếu có, ông ấy đã gọi cho Tiểu Đoàn ra chỉ thị cho mình chứ mắc mớ gì nhắn gởi... Tôi phân tích tình hình cho anh em nghe. Mọi người đều cười tỏ vẻ chế diễu vị Tr/Tá... Có lẽ ông ta sợ bị tập hậu nên
muốn nhóm tụi tôi ở lại chặn hậu để đảm bảo mặt sau cho ông ta. Tôi nói tiếp:
- Sau khi cơm nước xong, mình sẽ đi theo họ! Mình cứ để họ đi trước. Với đoàn quân đông đảo có tổ chức như vậy chắc chắn họ sẽ có điểm
đến... Anh em cứ bám đuôi họ cách xa chừng ngoài trăm mét... Không được đi quá
sát... Nếu bị đối phương đánh cắt đuôi, mình còn có cơ hội chống trả, đi sát
quá đối phương tập kích là mình lãnh đủ đó...
Kinh nghiệm tận Hạ Lào đã mách bảo cho tôi...
*
Mảnh trăng trung tuần mặc dù chưa tròn hẳn nhưng cũng thừa sức soi sáng cho cả một vùng đất miền duyên hải tương đối quang đãng. Ánh trăng dìu dịu làm nổi bật bóng dáng một đoàn người thất thểu đang vội vã di chuyển trên con đường dài hun hút om tối mà tôi không biết sẽ dẫn đến đâu... Kể từ lúc ra QL.1 tôi cũng chưa thể xác định được điểm đứng của mình do không có bản đồ của vùng này, nên đành bó tay chịu trận. Chỉ biết mình đang đi trên con đường đất đỏ khá lớn gần Đài phát thanh Hương Thủy chạy đâm ra biển mà thôi. Lúc này tôi không còn có ý nghĩ đi ra cửa Thuận An nên cũng không mấy quan tâm đến chuyện xác định điểm đứng nữa. Hiện tại! cứ làm sao bám theo cho kịp nhóm người này là ổn rồi. Tôi nghĩ thầm, tin chắc như vậy!
Chúng tôi cứ mải miết cuốc bộ theo đuôi đoàn người trên đoạn đường dài hun hút, ngổn ngang những balo, quần áo do những người lính đi qua vất bỏ lai vương vãi khá nhiều trên mặt đất. Thỉnh thoảng lại gặp từng cụm đôi ba chiếc xe tăng, xe thiết giáp M.113 và những chiếc GMC nằm nghiêng ngả bên vệ đường... Không rõ là do cố ý phá hủy hay bị hỏng hóc mà vất lại! Đến gần nửa đêm thì chúng tôi dồn cục trên một bãi cát do bị một đầm nước khá lớn chắn ngang. Bên bờ sông lố nhố cơ man nào con người đang tranh giành nhau lên thuyền. Tôi kéo anh em ra xa ngồi chờ, tránh lượng người bát nháo chen lấn có thể xảy ra chuyện không hay. Tôi nói với Hạ sĩ Nhất, Sanh cố gắng tìm cách nhờ người để đưa cả bọn qua sông và nói rõ là tôi không biết bơi!
Làng chài vùng biển Thuận An. (Nguồn: Tung tăng khắp miền)
Do phải đưa hết toán này sang bên kia rồi mới quay lại đón tiếp nên thời gian ngồi chờ đợi cho tôi cái cảm tưởng như bị kéo dài lê thê... Khoảng nửa tiếng sau. Hạ sĩ Nhất, Sanh cùng hai người lính đi về báo là đã tìm đươc thuyền rồi. Cả bọn chúng tôi cuốc vội ra bến, nhanh chóng leo lên một con thuyền khá lớn đã đầy nhóc người. Dẫu vậy chúng tôi cũng cố len vào được để có chỗ ngồi trên sàn... Khi này tôi mới để ý đến mấy anh dân chài có thái độ khá nghiêm khắc. Họ không cho mọi người ồ ạt leo lên mà phải có thứ tự. Khi vừa đủ là dứt khoát không cho ai lên nữa và rất cứng rắn với những ai không nghe lời... Lúc an vị trên thuyền dập dềnh trên sóng nước tôi mới thấy dân xóm chài này tốt vô cùng. Gần như họ huy động hết tất cả thuyền còn lại trong xóm chài để đưa chúng tôi qua bên kia đầm nước... Họ đốt đèn sáng rực cả một vùng sông nước, thuyền bè liên tục di chuyển qua lại như coi thoi giữa đôi bờ... Đưa hết đợt này qua sông, họ lại quày quả quay ngay về để đón đưa bọn di tản chúng tôi qua bên kia... Hết xăng họ lại châm đầy, tiếp tục làm không phút ngơi nghỉ, không hề chìa tay nhận lấy một chút thù lao nào...
Xin nghiêng mình gởi lời cảm
ơn chân thành muộn màng đến những người đã có tấm lòng Bồ Tát ra ra tay cứu độ
bọn thất cơ lỡ vận chúng tôi vào những ngày cuối của Tháng 3 năm 1975 đó. Ơn Trời
phù hộ cho gia đình họ...
Dưới ánh trăng vằng vặc! Chúng tôi vội vã cùng nhau, kẻ trước người sau di chuyển thật nhanh, cố gắng đuổi theo đoàn người phía trước mà không cần biết họ dẫn mình đi đến đâu... Trong đầu với một ý nghĩ duy nhất! họ sao mình vậy! Tôi tự trấn an mình...
Ngày 25/3/1975
Trời hửng sáng! Bọn chúng tôi bắt đầu
đi vào một ngôi làng chài thưa thớt. Đi ngang một quán hàng nho nhỏ, tôi dốc cạn
túi mua một ít bánh để chia cho anh em cùng ăn cầm hơi đi tiếp... và tôi hỏi
thăm thì được người dân cho biết đang ở làng Mỹ Lợi. Huyện Vĩnh Lộc và được biết
cứ đi cặp bờ biển về hướng Nam sẽ đến cửa biển Tư Hiền...
Sau khi nghe, biết được nơi sắp đến là đâu, rồi tâm lý bầy đàn nhắc bảo. Chúng tôi an tâm cứ thế mà đi. Dọc hai bên đường nhà cửa đóng im ỉm không thấy bóng dáng người dân nào, trên đường chỉ thấy toàn lính là lính, kéo nhau lũ lượt thành từng toán đi vội vã như ma đuổi. Cho đến quá trưa thì bọn chúng tôi đến cửa Tư Hiền. Một cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Có đủ tất cả mọi cấp bậc. Đủ cả mọi binh chủng, tác chiến lẫn hành chánh. Có vẻ như đều đổ dồn về đây chờ ứng cứu.
Đoàn người di tản ùn tắc đầy mệt mỏi, tản mát ra nằm ngồi vất vưởng tràn lan trên bãi biển, bên rừng dương. Một số người vẫn còn trang bị đầy đủ súng đạn lẫn balo. Nhưng cũng có những người chỉ còn trần xì bộ quần áo lính, cái nón sắt trên đầu với đôi tay không và cũng chỉ đến thế, không hơn.
Ôi thôi! Cơ man nào mà kể cho xiết cảnh hỗn quân hỗn quan đến là thảm
hại của thời điểm sa cơ thất thế này... Đặc biệt tôi không nhìn thấy một bóng dáng nào của người
lính thuộc Binh chủng Nhảy Dù hay TQLC... (2).
*
Tôi cùng anh em trong nhóm tránh xa đám đông, lánh vào hàng cây ngoài rìa cánh rừng dương... nghỉ ngơi lấy lại sức và nghĩ cách vượt qua bờ bên kia... Tôi kê nghiêng cái nón sắt trên mô cát ngồi lên đưa mắt dõi ra cửa Biển Tư Hiền đầy sóng gió. Nhìn lượng người đen ngòm, đông như kiến tràn lan trên bãi cát chói chan mà ái ngại. Nếu đối phương phát hiện, pháo kích thì chết cả nút. Và nghĩ đến chuyện không biết bơi của mình, lòng càng thêm bồn chồn lo lắng... Rồi tôi mỉm cười một mình khi bất chợt nghĩ đến chuyện bị vị Trung Tá lừa, cứ tưởng là chẳng ra gì, hóa ra lại gặp may! Nhờ đó mà bọn chúng tôi mới trôi dạt ra đến tận cửa Tư Hiền này. Chứ không! cứ theo như dự tính ban đầu đi về cửa Thuận An, giờ cũng chả biết đi đến đâu nữa... Trong cái tưởng chừng như là không tốt lại có cái may là vậy! Ơn trời!
Ảnh minh họa. Trực thăng UH.1 (Nguồn: Báo Lao Động)
Đang ngồi nghĩ quẩn... Bất thình lình tôi nghe thấy tiếng cánh quạt phi cơ trực thăng xé gió cực lớn. Một chiếc UH.1D có mang hình hai ngôi sao màu trắng ngay trước mũi, từ hướng 12 giờ lủi đến và hạ thấp độ cao đáp xuống, hất tung bụi cát trước mặt không xa. Từ trong bụng trực thăng, một người mặc quân phục nhảy xuống. Một tay cầm cây can Chỉ huy (3). Một tay vịn cái nón sắt chạy lúp súp lao thẳng đến chỗ tôi đang ngồi. Lúc này tôi mới phát hiện ra trên cổ áo là một vị Thiếu Tướng. Tôi vội bật dậy nghiêm chào xưng danh, số quân cùng đơn vị... v... v... theo đúng quân phong quân kỷ. Và tôi cũng được biết. Ông là Thiếu Tướng. Hoàng văn Lạc Tư Lệnh Phó Quân Đoàn.I. Ông nói với trực tiếp với tôi:
- Em chịu khó
nói mọi người gom lại theo từng đơn vị. Một lát nữa anh sẽ cho đem phà ra để cho anh
em tổ chức vượt sông qua bên kia, rồi sẽ có xe đưa vào Đà Nẵng...
- Dạ! Tuân lệnh! Tôi nghiêm
chào đáp. Ông quay ra, lên trực thăng rời đi...
Trước cái cảnh hỗn
quân quân hỗn quan, bát nháo như thế này nói thiệt! Bố bảo tôi cũng không dám đứng
ra kêu gọi mọi người sắp xếp lại cho có hàng ngũ...
*
Ảnh minh họa. Trực thăng chinook thả toán biệt kích cùng thuyền
trên biển.
(Nguồn: Wikipedia)
Khoảng chừng nửa tiếng sau. Đúng như lời hứa của Tướng Lạc. Có hai chiếc Chinook cẩu hai cái thuyền dã chiến loại của công binh thường dùng để bắc cầu phao thả xuống bờ cát ngay sát đám đông. Không rõ là có mái chèo không, vì đứng quá xa nhìn không rõ. Nhưng chắc chắn một điều. Khi hai chiếc trực thăng sâu rọm Chinook vừa nhả dây rút khỏi hai cái thuyền... Cấp thời một đám đông bu lại như kiến, tranh nhau leo lên. Hai chiếc phà chẳng mấy chốc đã đầy ắp người. Chiếc trước, chiếc sau bơi ra được một đoạn thì bị sóng đánh chìm cả hai vì quá tải. Một nhóm khá đông lặn ngụp trong giòng nước chảy xiết đầy những đợt sóng dữ hung bạo từ ngoài khơi lùa vào vùng cửa họng của đầm Cầu Hai-Tư Hiền. Một bi kịch xảy ra trước mắt. Tất cả mọi người đều chứng kiến thảm cảnh mà chả làm được gì. Vì ai cũng muốn sống. Rồi cũng chỉ vì muốn tồn tại mà họ bất kể hiểm nguy. Cố mà tranh giành lấy phần lợi về cho mình... để rồi...
Ảnh minh họa. Chonook thả thuyền trên biển/ (Nguồn: Trần Công cảnh 2)
Cứ tưởng như thế
mọi người rút ra kinh nghiệm. Nhưng không! Tức khắc cả hai chiếc phà được một số
người bơi ra lôi vào, lắc cho nước ra hết rồi lại tiếp tục xúm vào leo lên, chả mấy chốc đã kín bưng hết
cả, chẳng khác đợt trước là bao nhiêu! Cả hai cố gắng chòi đi. Nhưng ra đến gần giữa sông thì gặp phải giòng
đối lưu giữa biển và đầm Cầu Hai cộng với những cơn gió dữ tác động vào, khiến
cho hai cái phà chất đầy ắp người chỉ trong phút chốc đã bị sóng đánh lật úp, phơi
cả trôn rồi bị cuốn trôi ra biển mất tăm! Dưới nước lố nhố những cái đầu đen đen
nổi bập bềnh, bị sóng vùi dập lặn hụp một chốc rồi chả còn thấy gì ngoài nước và sóng...
Tôi nhìn sang bờ bên kia. Loáng thoáng không quá mươi người quần áo ướt sũng, lảo
đảo nằm vật xuống bãi cát...
*
Hình ảnh khủng
khiếp xả ra ngay trước mắt. Tôi ngồi đần cả người, suy nghĩ không biết làm sao
để qua được cửa biển Tư Hiền đầy chết chóc này. Bất ngờ tôi thấy Thiếu Tá Sáng.
Trưởng Tiểu đoàn.3/1. đang cùng Ban chỉ huy Tiểu đoàn từ phía làng chài đi tới.
Ông là Chỉ huy Trưởng cũ của tôi trước khi thuyên chuyển qua Đại Đội.4/1. Tôi mừng quá
nhào ra chào ông và xin ông cho tháp tùng vì đã lạc mất Tiểu Đoàn sau lúc nhận
chỉ thị vào đón ông ở vùng núi Bông ra. Ông đồng ý và dặn tôi phải bám theo cho
kịp. Nhân dịp này tôi cũng gặp lại hai người bạn cũ là Tr/úy Phạm huy Mậu (4), Th/úy Duyệt, Phụ tá Ban.3 đang đi cùng ông.
Do là cấp Tiểu đoàn nên hệ thống liên lạc với bộ chỉ huy Trung Đoàn hiện đang ở trong Đà Nẵng vẫn còn rất khả quan. Thiếu Tá Sáng cùng chúng tôi đi lánh sâu vào trong rừng dương. Đồng thời ông cho toán trinh sát đi ngược lên phía nguồn vào làng dân để tìm thuyền vượt qua sông.
Bẵng đi một lúc! Tôi đang mải miết
dõi theo nhóm người lu bu ở phía cửa biển Tư Hiền. Bất chợt ngoảnh lại nhìn thấy
một con thuyền trên đó chở Thiếu Tá Sáng cùng Ban Chỉ Huy đang chèo ra đã quá một
phần ba con sông. Tôi gọi với theo... Th/úy Duyệt nói vọng lại lỡ rồi chờ đó. Khi
qua xong sẽ cho người quay lại đón...
Đúng là cái duyên đưa đẩy! không ai nói trước được điều gì... Cứ mở rộng vòng tay thì mọi điều tốt lành sẽ đến thôi...
Cũng may lúc này đa
phần các sắc lính khác đều tập trung ở phía cửa biển chờ tàu vào đón nên không
ai chú ý, chứ không thì cũng khó mà tránh khỏi chuyện tranh giành. Ơn trời! vì vậy chúng tôi đã thoát được qua bên kia cửa
Tư Hiền...
Khi này phía
ngoài biển đã có xuất hiện bóng dáng của tàu của Hải Quân từ xa, nhưng bị pháo 130ly
ở phía trong vùng Phú Lộc bắn chặn đường nên họ không dám vào...
*
Vừa rời khỏi thuyền, chân chạm mặt cát là cả bọn quày quả đuổi theo toán người của Tiểu đoàn.3/1 cho kịp, tránh để mất dấu.
Trời bắt đầu sập tối! Dưới ánh trăng vằng vặc, bóng của chúng
tôi đan nhau, đổ dài trên bãi cát trắng phau rõ mồn một mà ớn lạnh cả xương sống. Một bên là biển nổi sóng từng đợt trắng xóa. Một bên là rừng
dương của thôn Cảnh Dương rì rào đen ngòm. Mặc dù biết là đi trên bãi cát lồ lộ rất
nguy hiểm. Nhưng cũng chẳng dại gì mà chui vào trong rừng dương tối om vướng
víu và đầy đe dọa. Do vậy mà chúng tôi vẫn tiếp tục chọn đi trên bãi biển, phó mặc cho
trời đất ra sao thì ra... Trên đường đi cứ luôn nghĩ dại! Bây
giờ mà đối phương phục kích hay pháo kích thì chỉ có nước chết chắc vì không có gì bám víu ẩn
nấp... Đầu thì lo! chân vẫn
không ngừng guồng như chạy. Thây kệ! khi nào đụng chuyện hẵng hay! Nghĩ quẩn
thêm mệt chứ cũng chẳng thể nào giải quyết được gì!
Tôi dặn dò với mấy anh em trong bọn đi chung cố gắng bám sát theo đoàn của Thiếu Tá Sáng vì ông là đầu mối vẫn còn liên lạc được với Trung Đoàn ở Đà Nẵng, có gì mình cũng dựa vào đó mà làm theo...
Cả đoàn lếch thếch kéo nhau đi đến nửa đêm thì gặp phải con
sông có tên Nước Ngọt chặn ngang (Xem Bản đồ số 01). Tôi cố tìm đến gặp Thiếu
Tá Sáng xin ý kiến. Ông cho biết đã liên lạc với Trung Đoàn. Và được biết Trung
Đoàn sẽ cho điều ra một Đại Đội TQLC làm đầu cầu ở phía mạn Nam sông Nước Ngọt.
Và cho một Trung đội nằm sẵn bên bờ sông bên kia giữ an ninh, đồng thời sẽ cho căng
một sợi dây neo, nối giữa hai bờ. Một sợi buộc vào con thuyền để dòng từng toán
nhỏ di tản qua sông.
Sau khi nhận được
kế hoạch vượt sông xong. Chúng tôi đợi một hồi lâu không thấy động tĩnh gì. Thiếu
Tá Sáng gọi máy liên lạc lại. Ông thông báo cho Trung Đoàn biết là đã đến bờ sông Nước Ngọt rồi
mà không thấy ai bên phía bên kia sông hết! Chúng tôi phải đợi mất đến gần cả
tiếng đồng hồ mới biết tin Trung đội TQLC làm đầu cầu đã đi lạc về đâu không
rõ. Trung Đoàn bảo chờ sẽ điều động toán khác ra tiếp ứng. Cuối cùng rồi toán
TQLC tiếp ứng cũng đã thực hiện xong đường dây kết nối giữa hai bờ để cho mọi
người phăng theo đó mà lôi sang bên kia sông.
*
Mấy người Biệt
kích đỡ tôi lên thuyền. Do không biết bơi nên khi đứng trên sàn thuyền, tôi giơ hai
tay nắm chặt vào sợi dây cái làm mồi căng qua sông. Nếu không may có gì xảy ra
cũng đỡ. Quả nhiên sự lo lắng của tôi không thừa! Mới kéo được vài tay chưa
đâu vào đâu, một số người trên bờ nhào ra tranh nhau ào lên con thuyền mong
manh, sức chứa không quà chục mang bị mất thăng bằng, lật nghiêng hất tất cả mọi người rơi tòm xuống nước. Cũng
may! tôi cẩn thận níu sợi dây ngay từ ban đầu nên khi thuyền lật. Hai tay vẫn
níu, giữ chặt sợi dây mồi nên tôi bị treo tòn teng dưới nước ngập đến vai, ướt sũng hết cả người. Trung lùn mang máy cùng mấy người Biệt kích thấy vậy vội vã nắm lấy tôi lôi vào bờ.
Qua được con sông nhẹ cả người! Nhờ ánh trăng trung tuần nên bầu trời trên bãi biển cũng không tối lắm... Toán TQLC làm đầu cầu ra lệnh cho đoàn di tản chúng tôi bước ra chỗ bãi đất trống xếp thành một hàng ngang. Mỗi hàng mười người, cứ thế nối tiếp. Không cần biết lính hay sĩ quan. Tất cả vào hàng. Đủ trăm sẽ có người hướng dẫn đi tiếp...
Trời đã dần về sáng nhưng vẫn còn nhá nhem tối. Khối trăm người chúng tôi, khi ra đến đoạn gần QL.1 thì thấy Đại Tá Võ Toàn cùng vài người cận vệ đứng gần chiếc xe jeep. Ông bước tới an ủi và bắt tay một số người quen biết. Đồng thời nói với chúng tôi tạm thời lánh vào nhà dân quanh đó, đợi đến 7 giờ sáng sẽ có xe ra chở vào Đà Nẵng.
Theo như tôi nghĩ. Rõ ràng là cả đám quân di tản đêm hôm đó. Nếu không có Th/Tá Sáng Trưởng Tiểu Đoàn.3/1 liên lạc được với Trung Đoàn.1/1 thì không biết chúng tôi phải loay hoay đến bao giờ mới qua được bên kia sông. Cũng may ở hiền gặp lành...
Ngày 26/3/1975.
Tại trại Hòa
Khánh ở Đà Nẵng vắng hoe. Nhóm chúng tôi đươc phân bổ vào một căn nhà tiền chế trống trơn, lỏng chỏng một
số balo và súng mà không thấy người...
Cả 7 thày
trò quanh quẩn trong căn nhà chờ đến gần 10 giờ mà chả thấy ai đoái hoài. Gạo mang theo còn chút ít nhưng không có đồ ăn... Tôi buộc lòng phải nói với Hạ sĩ Nhất, Sanh cùng mấy anh em:
- Giờ vào đến Đà Nẵng rồi! Đơn vị không có ai! Người nào có tiền chịu khó ra chợ mua thêm cái gì về mà nấu ăn chung... Mấy anh em tính sao? Chẳng ai nói câu nào. Tôi nói tiếp:
- Tạm thời bây giờ chúng ta đã biết chỗ này! Anh em có quyền ra ngoài Đà Nẵng chơi, nhưng phải mang theo súng đạn. Còn Trung! Em tháo cục pin ra rồi dấu cái máy PRC.25 cùng bản mã hóa vào chỗ nào đó cho kỹ. Coi chừng mất là ở tù chết mẹ đó! tất cả, nhớ chiều tối phải vào nha! Tôi cũng đi dô Bệnh viện Duy Tân tìm gặp người bạn đang làm việc ở đó xem sao!? Cả bọn đồng ý chia tay hẹn tối gặp lại...
Tôi gỡ cái nón sắt xuống úp lên chiếc balo. Vòng tay tháo sợi dây đai TB cho khỏi vướng víu, lấy khẩu colt.45 ra khỏi bao nhét trước bụng, vất đại sợi TB trên cái nón sắt đồng thời rút tấm bản đồ nơi túi balo cuộn lại nhét vô ngực, rồi xốc cái áo cho kín đáo bước ra ngoài... Vừa lúc này tôi gặp Tr/úy Mậu, không từ đâu đến đang đứng sớ rớ! Tôi bèn rủ anh cùng tôi ra BV Duy Tân tìm người bạn. Hai thằng mặc bộ đồ lính đầu trần rủ nhau ra chợ Cồn. Tôi bán sợi dây chuyền đươc một số tiền. Hai thằng bèn rủ đi ăn xong rồi cứ lang thang đến chiều chẳng biết đi đâu bèn chui vào khách sạn nghỉ tạm qua đêm.
Ngày 27/3/1975.
Sau khi ăn sáng xong, Tôi và Mậu chia tay. Tôi vào BV Duy Tân tìm người bạn. Còn Mậu nói vào căn cứ gặp Thiếu Tá Sáng muợn ít tiền rồi ngày mai gặp lại (5).
Tôi vào BV Duy Tân tìm được người bạn (6). Được biết gia
đình anh chạy từ Huế vào hiện ở tạm tại nhà người bà con đã di tản bỏ trống.
Tôi không biết đi đâu đành theo anh về ở cùng gia đình... Với kinh nghiệm của người từng trải. Ông bố của Đại úy Hiền khuyên hai đứa chúng tôi nên thay đồ lính bằng bộ
đồ dân sự có sẵn trong nhà để tránh bị dòm ngó không hay... Suốt ngày cả gia đình trên chục mạng đều
ở rịt trong nhà không ai dám ra đường. Cũng may trong nhà còn gạo do chủ cũ để lại nên không đến nỗi nào...
Ngày 28/3/1973.
Tình hình Đà Nẵng vào thời điểm vô chính phủ này thật là hỗn loạn, không thể nào tưởng tượng được. Hầu hết các Ngân Hàng đều bị cướp, rồi dẫn đến chuyện bắn giết lẫn nhau vì chia chác tranh giành. Tiếng súng gần như nổ đì đoàng khắp nơi. Mấy kho gạo dự trữ quốc gia bị đám lính vô kỷ luật dùng súng bắn vỡ khóa, đứng chặn ở cửa. Ai muốn vào cứ xỉa ra 500 đồng, vô kho vác ra một bao. Ra khỏi cửa vất ịch xuống đất là có người tranh nhau mua lại một ngàn đồng ngay tắp lự. Cứ thế! Ai có sức vóc lại chịu khó, cứ việc chi ra 500 đồng là thấy một lời một liền. Tôi nghe nói, do cứ mải miết rút ở dưới, bị trống chân mất điểm tựa, bên trên nặng không trụ vững đổ ập xuống, đè chết hết mấy mạng người...
Bọn giang hồ tứ chiếng ở địa phương có, ở các nơi khác chạy về cũng có. Kết bè, kết đảng thành từng nhóm, lấy xe hơi của các công sở bỏ lại hay cướp của dân, chở nhau thành từng tốp đi quậy phá, cướp bóc tràn lan làm náo loạn cả thành phố. Chính bản thân tôi và Hiền khi này đã mặc đồ dân sự đang đi lơn tơn trên vỉa hè tìm xe xuôi vào Nam thì gặp một chiếc xe jeep mui trần chở sáu bảy tên lính tay súng M.16 tấp vô bắt dừng lại, đòi tháo đồng hồ đưa cho chúng. Tôi buột miệng nói “cùng một phe mà đưa cái gì”. Có lẽ nghe thấy giọng Saigon, tên ngồi ghép ở ghế trước nhìn tôi rồi vẫy cây súng M.16 về phía trước bỏ đi... Tôi và Hiền thấy tình trạng quá nguy hiểm nên đã rủ nhau về nhà không dám đi nữa. Sau khi lén vất cái túi sách trong đó có đựng cây súng colt.45 còn đầy đạn trong băng, cùng tấm bản đồ mà tôi dấu trong mình suốt mấy hôm nay vào trong thùng quầy báo bỏ hoang bên lề đường...
Ngày 29/3/1975
Thấy tình hình càng ngày càng xấu đi thấy rõ. Chính quyền cũ ở thời khắc này hầu như mất dấu hoàn toàn. Một rừng tin đồn này nọ lan truyền chóng mặt trong dân gian. Nào là cắt đất đến Đà Nẵng. Nào là nhượng đất đến Nha Trang... Rồi 20 năm sau Mỹ sẽ trở quay lại (7). Rồi là sẽ có cuộc trả thù khủng khiếp đối với các gia đình có con em cộng tác với Mỹ và chế độ Saigon...v...v... Ngồi trong nhà mà vẫn thấp thỏm, không thể an lòng với những tin đồn quái ác trong xã hội cứ xà quần bay tới tấp vào không biết đâu mà lần... Trong lòng vừa sợ vừa lo lắng như lửa đốt. Nhất là khi nghe cái tin “20 năm nữa Mỹ sẽ quay trở lại”. Tôi buột miệng chửi thề và nói với Đại úy Hiền.
- Bố cái tiên sư chúng nó! Ngay lúc này còn vắt giò lên cổ mà chạy! Không biết có giữ được cái mạng trong lúc dầu sôi lửa bỏng này không nữa, mà đợi mãi đến 20 năm sau... Mẹ kiếp! Chả biết lúc đó còn sống không nữa mà rộn!
Quẩn quá! Cuối cùng tôi và Đại úy Hiền bàn với gia đình tính chuyện xé lẻ. Gia đình chia ra nhiều tốp nhỏ, kiếm đường rời khỏi Đà Nẵng đi vào các tỉnh phía trong, rồi tìm mọi cách chuyền dần về Saigon. Cả gia đình đồng ý để tôi và Hiền đi trước.
Ăn qua loa vài miếng lót dạ. Hơn chín giờ sáng. Hai đứa tức tốc rời khỏi nhà.... đi lang thang được một lúc lâu thì thấy trên đường một số du kích địa phương nổi dậy vác AK, B.40 lẫn cả M.16 ngồi trên xe jeep, xe bán tải mui trần cắm cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chở theo nhóm thanh niên, trên bắp tay có buộc miếng vải đỏ, miệng hô hào hò hét chạy vung vít khắp nơi. Thậm chí có lúc nổi hứng nổ súng chỉ thiên thị uy nữa. Rải rác trên đường lúc này cũng thấy một số cán bộ nữ mặc quần áo bà ba, chân đi dép râu, cổ quấn khăn rằn, đầu đội nón tai bèo cặp bên hông một khẩu súng ngắn. Trên vai khoác thêm một cái xắc-cốt (xà-cột) (8) xuôi ngược thành từng nhóm vài ba người... Lính tráng lúc này đi đâu mất hết không còn tràn lan như mấy hôm vừa qua... Tôi thấy một số người mặc quần lính đi lang thang, mình cởi trần hoặc mặc áo thun chứ không còn mặc nguyên bộ đồng phục nữa... Rồi tình cờ tôi bắt gặp một chiếc xe loại bán tải mui trần, chở mấy xác người vất nằm tênh hênh trên sàn thùng xe phía sau chẳng che đậy gì. Không rõ là để thị uy, dằn mặt hay chở đi đâu không rõ. Nhưng rõ ràng ai đã chứng kiến cảnh tượng này mà không rét mới lạ...
HS. Cổ Tấn Long Châu. Trở về. Màu nước/giấy.
KT: 11cm x 19cm. Năm 1969
(Bản
thảo cho bích chương. Nguồn: Lưu giữ của người viết)
Đến gần trưa! Lúc này tình hình toàn thành phố Đà Nẵng vẫn còn bát nháo nhưng tạm ổn không còn cảnh cướp bóc tràn lan như buổi sáng hay mấy hôm trước bởi có lệnh sẽ bắn tại chỗ nếu ai cướp bóc hoặc quấy rối.
Tôi và Hiền đi ráng thêm một lúc, băng qua những con đường vắng vẻ dưới trời nắng gắt, cố tìm phương tiện để đi vào Nam nhưng chưa gặp thì nghe tin phong
phanh từ những người cùng cảnh ngộ xuôi ngược trên đường, kháo với nhau là vùng Bồng Sơn-Tam Quan đã bị chặn ngang rồi! Nản chí! Hai đứa rủ nhau, thất thểu quay về nhà
nằm... đợi xem sự thể ra sao với tinh thần đầy ắp hoang mang lo lắng...
Nhóm TQLC đóng
bên bán đảo Sơn Trà và một số nhóm lính không biết thuộc đơn vị nào lẩn trốn vào rừng vẫn còn ra tay chống cự chưa chịu
đầu hàng...
Ngày 30/3/1975.
Thế là trọn vẹn 2 tỉnh Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng đã hoàn toàn rớt khỏi tay chính quyền VNCH kể từ ngày 26 và 30/3/1975. Đối phương chẳng phải tốn kém bao nhiêu đạn dược mà nghiễm nhiên trở thành chủ nhân ông hai tỉnh thành lớn vùng địa đầu giới tuyến một cách ngon lành. Về phía quân đội VNCH, với tinh thần chủ bại, riệu rã di căn từ khi mở mặt trận Lam Sơn 719. Hạ Lào. Rồi đến việc ký kết Hiệp Định Paris 28/01/1973 trói buộc. Nguồn hà hơi tiếp sức từ "Anh cả" bị đứt "chến". Dẫn đến sự kiệt quệ về mọi mặt từ quân sự lẫn kinh tế, tài chánh. Đã thế! tâm lý toàn xã hội hầu như chán nản buông bỏ... cộng thêm đám cỏ đuôi chó mọc lên tràn lan. Nên không cần đánh cũng tự động tan rã từ trên xuống dưới. Nghe đồn vài câu! Nghe nổ vài phát súng là bỏ chạy trối chết. Giống như đi rừng trông thấy bãi cứt cọp. Thần hồn nát thần tính cứ sợ bãi cứt nó vồ, hô hoán de chân chèo mà cuốc không dám ngoái cổ... Thật đau đớn!
Của tội! cái bản Hiệp Định ngừng bắn ngày 28/1/1973 nó đã trói buộc kẻ khờ dại mà cứ tưởng mình là quân tử... Hay vì quá đần mà không rõ ngữ nghĩa câu: "Việc binh không nề dối trá!" trong binh pháp mà cả chủ lẫn tớ thò bút ký vào bản Hiệp Định để rồi dẫn đến chuyện ngậm đắng nuốt cay làm ngọt... Cũng cần nhắc để mà nhớ kẻo quên! Hồi mới nhào dzô... "Anh cả" tưởng bở! Hung hăng con bọ xít dữ lắm! Đâu ngờ bập phải "gân gà"! nhay mãi cả gần 20 năm ê buốt cả răng lợi, thiếu điều rụng răng! Chịu hết thấu, đành cuốn gói chạy làng... giao lại cho đàn em tự quản. Quá bết bát đành tự "ên" hạ màn... Chơi với bọn bịp bợm mà đòi nó sòng phẳng, quang minh chính đại thì ăn cám là phải rồi! Còn kêu ca cái nỗi gì cho thêm hổ thẹn...
Nói tóm lại là thua! Thua toàn diện! Từ chính trị đối nội, đối ngoại. Rồi tâm lý chiến đến quân sự chứ không riêng về mặt nào... Cả hơn thế kỷ trôi qua trên bàn cờ đối đầu giữa hai phe Quốc-Cộng trên toàn thế giới! Chưa hề thấy phe Quốc thắng được ván nào. Toàn thua trắng mắt! Cứ hễ thò bút ký vào bản thỏa hiệp. Là coi như đã thấy thua ngay từ lúc chữ ký chưa ráo mực... Đã vậy! gặp ngay thằng đại ca ruột ngựa, phổi bò. Thấy cái lợi hậu hĩnh trước mắt là nó buông... Thân phận nhược tiểu rệu rã trôi lềnh bềnh gặp cơn sóng dập nhẹ cũng đủ chìm nghỉm... Chết trong tức tối... chỉ còn biết chửi đổng... cho hả tức, chứ làm đếch gì nhau...
Ngày 31/3 & 01/4/ 1975.
Mấy ngày hôm nay. Đà Nẵng đã dần dần ổn định, đường phố vẫn còn vắng ngắt. Tệ nạn cướp bóc hầu như không còn. Xe cộ bắt đầu lưu thông lại, nhưng đa phần là xe của quân đội chiếm đóng di chuyển. Xe dân sự cũng có nhưng rất hạn chế! Bệnh Viện và các công sở đều có lời kêu gọi cần sự cộng tác của những nhân viên cũ, mau chóng đi làm trở lại. Chợ búa lèo tèo do nhóm dân quê có gì bán nấy trong e dè dáo dác như gà phải cáo. Hàng quán vẫn cửa đóng then im ỉm, dư âm của cướp bóc để lại từ mấy ngày qua. Nhóm cờ đỏ giờ cũng không còn tự phát chạy tứ tung loạn xạ như mấy ngày đầu nữa... Có vẻ như mọi thứ đều đã được uốn nắm chỉ đạo... Nhưng rất còn bỡ ngỡ, xa lạ đối với người dân ở Đà Nẵng mắt nhăm mắt mở... nhất là thành phần có dính dáng ít nhiều đến chế độ cũ... Người dân chỉ rời khỏi nhà khi có chuyện cấp bách.
Ủy Ban Quân Quản Tp. Đà Nẵng vẫn án binh bất động! chưa hề có đông thái gì! Có lẽ đang bận rộn về chuyện tiếp quản và phân bổ điều hành, cũng như củng cố cho vững chắc thành quả mà họ mới đạt được... Dẫu sao vẫn còn cả miền Nam ở phía trước nữa chứ chưa phải đã xong...
Trên đài phát liên tục những tin thắng lợi như chẻ tre
của quân dân Cách Mạng cùng với những bài hát ngợi ca thể hiện qua những giọng
hát cao vút líu lo rất chói tai... đầy âm sắc nhạc Trung quốc lục địa...
Chúng tôi
vẫn co dúm trong nhà phó mặc số phận định đoạt...
Ngày 02/4/1975
Sáng sớm! Chính
quyền Lâm thời lên Đài phát thanh kêu gọi mọi người lính đều phải ra Ủy Ban
Quân Quản gần nhất trình diện...
Cả nhà rất sợ
hãi lo lắng không rõ chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng tôi khi ra trình diện... mọi
người cứ bần thần không biết phải làm sao. Tôi và Hiền chần chừ mãi đến hơn 9
giờ sáng mới mò đến Ủy Ban Quân Quản. Quận.1 Đà Nẵng trình diện...
*
Hai đứa đến
trước trụ sở Quận.I. Hiện giờ đang được Ủy Ban Quân Quản chiếm đóng. Một bầu
không khí nặng nề, đầy đe dọa khi bị mấy người vệ binh đội nón cối, nón tai bèo vác AK, B.40 đứng gác
trước cổng chặn tôi và Hiền lại hỏi đi đâu? Tôi trả lời đi vào trình diện. Anh
ta nhìn hai thằng tôi từ đầu chí chân, lạnh lùng chỉ vào trong nơi có nhóm người đang đứng xếp hàng ngoài cửa một căn phòng.
Bước qua cái cổng với tinh thần căng thẳng cực kỳ... Tôi và Hiền bước tới chỗ đám đông có đến vài chục người đứng xếp hàng từ trước. Hai thằng tấp vào đứng nối tiếp, dỏng tai nghe ngóng chờ tới phiên. Tôi lén nhìn qua cửa sổ vào phía trong. Căn phòng khá chật chội. Trên tường phía sau cái bàn có treo một là cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam khá lớn. Cả căn phòng trống trơn chỉ có mỗi anh chàng cán bộ ngồi phía sau bàn và người ra trình diện đứng với dáng cách tội phạm.
*
Trước mặt tôi là một người cán bộ tương đối gầy gò, mặc bộ đồ kaki Nam Định màu xanh cứt ngựa, không bảng tên, đầu đội nón cối với khuôn mặt khắc khổ lạnh lùng. Trên bàn. Đè dưới cánh tay trái là một cuốn sổ khá to đã có ghi chú chi chít, bên cạnh là quyển vở học sinh 100 trang cùng cái thước kẻ. Bàn tay phải cầm cái bút máy gõ gõ nhẹ xuống bàn. Anh ta dừng động tác gõ khi tôi bước đến, ngước đầu nhìn thẳng vào mặt tôi hỏi về lý lịch cùng đơn vị với từng câu nhát gừng, tay phải thì ghi liên tục vào quyển sổ...
Sau khi khai báo xong với người cán bộ. Tôi nhận được một mẩu giấy nhỏ xé đôi từ vở học sinh ra. Với giòng chữ viết nguệch ngoạc bằng bút máy: “Đã trình diện Ủy Ban Quân Quản” bên dưới có ký tên anh Tư hay Bảy gì đó cùng ngày tháng. Tôi cầm tờ giấy tần ngần và rất không an tâm hỏi.
- Thưa anh!
Xong chưa! không có con dấu ạ! Anh ta có vẻ ngạc nhiên nhìn tôi nói:
- Cách Mạng không cần con dấu... Anh ta đáp trả tỉnh queo với giọng nói đất Quảng nặng trịch.
Tôi và Hiền cầm tờ giấy lặng lẽ ra về mà lòng cứ băn khoăn mãi... Quả thật! Từ lúc ở nhà đi ra, trong bụng rất lấy làm lo lắng, không rõ sẽ bị đối xử như thế nào. Nhưng từ khi chứng kiến mấy người vào trình diện xong được cho về. Tinh thần cũng đã giảm áp được phần nào. Nhưng lại đầy ắp thắc mắc trong đầu... sao lạ vậy!?
* * *
Cái sự chờ đợi để biết được chuyện gì sẽ xẩy ra cho mình. Ôi chao! Nó vừa lê thê... vừa nặng nề... đầy căng thẳng... Cứ muốn nó xảy ra cho mau... Chơi đòn cân não... khủng bố tinh thần đến thế thì thôi... đến khi chỉ cần xả nhẹ... là sướng mê! quên mẹ nó hết tất cả rồi... cái gì cũng xong... tuyệt thật...
* * *
Ngày 05/4/1975.
Ngay từ lúc tờ mờ sáng. Với một chất giọng lanh lảnh đanh thép chắc nịch phát ra từ chiếc radio cũ có sẵn trong nhà. Lập đi lập lại cứ sau 15 phút một...
“TẤT CẢ SĨ QUAN TỪ THIẾU ÚY TRỞ LÊN. HÃY TẬP TRUNG TẠI SỐ 9 CƯỜNG ĐỂ. ĐỂ NGHE GIẢI THÍCH ĐƯỜNG LỐI CÁCH MẠNG. TỪ 7 GIỜ ĐẾN 9 GIỜ!!!
Saigon ngày: 01/5/2024
Cauminhngoc
Chú Thích:
(1)
Trước đó vào khoảng cuối năm 1974. Khi còn đang ở Tiểu Đoàn.3/1, tôi có
xin với Th/tá Sáng cho tôi về làm Phụ tá Ban.3, nhưng Trung Đoàn không chấp nhận,
bắt buộc thuyên chuyển tôi qua làm Đại Đội Trưởng Đại Đội.4/1. Khi này Tiểu
Đoàn.1/1 do Đại úy Trương Nghịch làm Trưởng. Và Đại Đội.4/1 mà tôi sắp đảm nhận đang cùng Thiết Giáp nằm sẵn, chờ lệnh tấn công. Cái ngày tôi được đón
đi nhận nhiệm vụ, mới lạnh xương sống... Vì khi đó chưa chiếm được ngọn núi
Bông. Nên toàn bộ khu vực đồi trọc bên trái QL.14 dưới chân núi Bông rất không
an toàn (Xem bản đồ số. 01). Hỏa lực của khẩu 12ly7 trên Động Truồi cùng 82 ly
không giật thường hay bắn ra mỗi khi thấy có người di chuyển. Tôi cùng hai người
lính đi đón phải nương theo các rãnh thông thủy mà đi, trên đoạn đường dài có đến
hàng chục cây số, trống toang hoác không có lấy một thân cây hay bờ bụi gì để
núp gió. Về nhận Đại Đội được vài ngày thì được lệnh tấn công. Phải mất đến hơn
tháng phối hợp cùng thiết giáp mới chiếm được ngọn núi Bông này... Rồi Tiểu
Đoàn.1/1 mà tôi mới thuyên chuyển qua phối hợp với binh chủng Nhảy Dù ở mạn Nam sông Truồi. Hai mặt giáp công tiếp tục đánh chiếm
được luôn hai cao điểm 121 và 303. Sau đó bàn giao lại cho Tiểu Đoàn.3/1 của
Thiếu Tá Sáng chịu trách nhiệm. Tiểu Đoàn.1/1 của tôi hành quân qua vùng Tây
Nam Lương Điền... và ăn cái Tết Ất Mão tại đây.
Mặt trận ở hai cao điểm 121 và 303 dưới chân Động Truồi sau khi Tiểu Đoàn.1/1 bàn giao lại cho Tiểu Đoàn.3/1 vào những ngày của Tháng 2 & 3/1975 rất khốc liệt. Do không được yểm trợ của pháo binh vì thiếu đạn. Thậm chí đến đạn cối 81ly vốn rất thừa mứa nhưng giờ cũng trở nên khan hiếm vì Mỹ đã cắt viện trợ. Mỗi loại chỉ bắn chừng chục quả là “ceasefire” rồi. Mà đâu phải là bắn một phát là trúng ngay đâu. Điều chỉnh qua lại trước sau tốn hết mấy trái... Cho nên hiệu quả tác chiến rất kém. Các đơn vị của Tiểu Đoàn.3/1 trú đóng trên hai cao điểm 121 và 303 thường xuyên bị đạn đạo thẳng như 12ly7 và 82ly không giật bắn cho tan tác... Các giao thông hào đào xuống khá sâu vẫn không chịu nổi hỏa lực mạnh của đối phương từ trên cao dã xuống. Những người lính tử trận hầu hết là bị từ ngực trở lên, thân thể không còn nguyên vẹn...
(2) Sau mới biết TQLC rút lui bằng tàu Hải Quân đón ở cửa biển Thuận An...
(3) Trước 1975. Hầu như các tướng lãnh miền Nam thường dùng cây can Chỉ Huy để đỡ trống trải đôi tay, đồng thời cũng là cách thể hiện uy quyền...
Cây can có khắc giòng chữ: “Đại Tá. Tôn Thất Xứng. Tiểu Khu Trưởng Vĩnh Bình. Kính tặng “. Mặc dù giòng chữ đã bị cạo đi một phần, nhưng vẫn khá rõ, còn đọc được. Thân cây can được bọc bằng đồi mồi. Hai đầu bịt bạc. Phần trên có khắc hình con rồng... Chưa rõ chủ nhân được tặng là ai. Nhưng dựa vào cụm từ “Đại Tá... Kính tặng”. Đầu can lại có khắc hình con rồng nữa. Chắc người được tặng chức vụ cũng không phải là nhỏ.
(4)
Vào khoảng Tháng 4/1973, từ Đại Đội.2/3 Tr/Đoàn.3/1. Tôi được thuyên chuyển
qua Đại Đội.4/3 Trung Đoàn.1/1. Và kể từ khi ký Hiệp Định Đình Chiến ngày
28/1/1973. Ai ở đâu nằm yên đó. Nên chúng tôi không còn mở các cuộc hành quân lục
soát như xưa mà thường đóng yên tại chỗ trên các cao điểm như: Động Chúc Mao,
Núi Kê, Kim Quy ...v...v... rồi cho bung các chốt cấp Tiểu đội hoặc Trung đội
ra các điểm trọng yếu chung quanh để giữ đất. Nói chung là những cao điểm phía
Nam đường 547 có từ trước khi xảy ra trận chiến mùa hè 1972 phía Tây Nam Huế.
Vào một lần chuyển quân từ trong Động Chúc
Mao ra. Khi đi ngang chỗ Đại Đội của Th/úy Mậu đóng quân. Chúng tôi dừng chân để
nghỉ ngơi, nên đã có dịp làm quen và thân nhau từ đó. Phạm huy Mậu. Khóa 25 Võ
Bị Dalat. Ra trường được điều về đơn vị Trinh sát Sư Đoàn.1, rồi chuyển qua
Tr/Đoàn.1/1. Do cùng chung Tiểu Đoàn.3/1 nên mã số thông tin chúng tôi có. Nhờ
đó mà chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau qua máy PRC.25 vào những đêm rảnh
rang. Tôi còn nhớ Mậu nhà ta rất thích bài “Mai” nên tôi thường hát cho bạn ấy
nghe, giờ thành kỷ niệm...
(5)
Sau này gặp Mậu. Anh cho biết ngay đêm đó tàu Hải Quân bốc hết tất cả những
người có mặt trong trại Hòa Khánh (Chưa rõ có phải đúng là căn cứ Hòa Khánh không?) về Vũng Tàu. Vì tôi ở ngoài nên bị kẹt lại. Âu cũng là cái số...
(6)
Khi tôi ra Huế hoàn toàn tứ cố vô thân. Nhưng khi vào Đại Đội.3/3 tôi làm
quen được với Ch/úy Thoại. Anh có gia đình và vợ con sống ở con đường Nguyễn
Thành. Con đường chạy cặp theo chân thành từ cửa Đông Ba quẹo phải vào đến cống
Lương Y. Anh giới thiệu tôi với gia đình nhân chuyến cả Tiểu Đoàn vào đóng giữ
an ninh cho Thành nội Huế. Từ đó mỗi khi đi phép tôi đều về tạm trú ở gia đình
kính mến này.
(7). "20 năm sau sẽ quay lại!" (1975-1995). Không hiểu là do sự trùng khớp ngẫu nhiên hay tin đồn chính xác mà ra. Đúng năm 1995 Chính quyền Mỹ đã mở mối bang giao lại với Chính Phủ Việt Nam. Lúc này tôi có suy nghĩ nguồn tin trong dân gian sao mà chính xác thiệt. Biết trước đến cả 20 năm...
(8) Xắc-cốt (Xà-cột): Cặp may bằng da hay bằng vải. Dùng để đựng tài liệu, có kích thước vừa khổ giấy A4. (Nguồn: Google)