Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

Câu chuyện về bức sơn mài "THÁNH THIỆN".




THÁNH THIỆN



Phạm văn Cầu. Thánh thiện. Sơn mài. KT: 60cm x 90cm. Vẽ: 1987. Chữ ký và năm ở góc trái dưới.

        Kỷ niệm những ngày tháng với Họa sĩ Đào Mùi (Đào Nguyên) cùng bạn bè đâm xo đổ dụi với sơn mài ở nhà Họa sĩ Mai văn Tố trong khu Đồng Tiến phía sau chùa Lâm Tế, Nguyễn Trãi. Quận I... 


                         Câu chuyện về tấm tranh sơn mài "Thánh thiện" của tôi.

         Rảnh rỗi ngồi nhìn bức tranh mà nhớ lại quãng đời hẩm hiu cá chốt của thời bao cấp muôn vàn khó khăn. Con dân hạng nhì phải tự mình bươn chải kiếm miếng va vào mồm nếu không muốn rã họng. Nói vậy chứ không phải cứ bươi khơi là có miếng va vào mỏ đâu… Gian nan lắm! Khó lắm! cái gì cũng bị ngăn cản, cấm đoán. Buôn bán nhỏ bán lẻ thì không cho phép vì đã có Hợp Tác Xã dang tay giải quyết rồi. Kiếm ăn vớt vát lẻ tẻ đâm so đổ dụi bằng mọi cách để đắp đổi qua ngày ở bờ lề con đường thì bị cho là kinh doanh cá thể, là vi phạm giao thông lấn chiếm lòng kề đường. Làm mất vẻ mỹ quan của Thành phố đang trên đà chuyển mình khởi sắc… 
      Để tránh vướng vào chỗ lười lao động, ăn bán xã hội. Người lanh lợi thì đi buôn chuyến, kẻ lỳ lợm thì chơi hàng lậu, người có tay trong cộng ít của nả thì mua hàng mậu dịch đem bán kiếm tí ti đắp đổi qua ngày. Trự nào có chút ngón nghề trong tay thì cố khai thác để tồn tại… Ôi! muôn trùng mù mịt của xã hội, thứ dân lẩn khuất trong đô thị mới sang trang đều phải tất bật ngược xuôi để tồn tại. Trong thành phần hổ lốn này có giới mỹ thuật nước nhà. Từ ngày thế cục xoay vần. Nhóm người hành nghề tự do này tự nhiên bị biến thành thứ nửa nạc, nửa mỡ. Cấm thì không mà cho thì cứ úp úp mở mở. Phải có hội đoàn mới được phép, còn không có chân đứng hay đất dụng võ xem như chết đứng như Từ Hải thọ tiễn trong truyện Kiều. May sao! ông trời cũng không nỡ triệt đường sống của đám tơi tả này. Chính quyền mới phát sinh ra chuyện cho đi đoàn tụ HO…

       Không biết khởi nguồn từ đâu! nhưng có lẽ phát xuất từ một số anh Việt kiều được phép về quê hương thăm gia đình sau thời gian cánh cửa giao tiếp với nước ngoài bị khóa chặt trước giờ nay được mở he hé... Những vị Việt Kiều rủng rỉnh có cơ hội lách qua khe hở về thăm nơi chôn nhau cắt rốn. Trong những lúc đi tham quan danh lam thắng cảnh của đất nước Bốn ngàn năm văn hiến. Bất chợt trông thấy mấy mảnh lụa hay sơn mài nho nhỏ xinh xinh, đặc sản quê hương vừa với túi tiền lẻ, bèn xì ra mua về làm quà... Không chỉ có thế! Các đấng con dân Việt Kiều sắp thành có tâm trạng mua tí ít tranh lụa hay sơn mài sang làm quà tạ ơn bà con đã bảo lãnh… Một đồn năm. Năm thành mười… Mười thành một trăm. Riết rồi thành phong trào. Nghe nói còn phát triển xa hơn nữa là mua về bển bán cũng kiếm được chút đỉnh đắp đổi cho chuyện xe pháo … 

      Mới đầu chỉ có nhóm làm mỹ nghệ lề đường là vớ bẫm. Nhất là con đường Lê Lợi. Quận I. Nơi tập trung mọi dịch vụ từ đen cho đến trắng...v...v... Nhóm tự phát này không những miệng luôn trê trễ phì phà điếu ba số (555) mà còn giúp họ mở mày nở mặt với lối xóm nữa…Oách lắm lắm cơ... Nhưng rồi cái gì cũng vậy, riết rồi quen! Quen quá hóa nhàm… Các Thượng đế phàm trần đòi hỏi phải có cái gì đó mới mẻ hơn, chứ mấy của nợ kia giờ ai cũng có... Rồi nhu cầu thưởng lãm cũng vì thế mà được nâng tầm. Thượng đế đòi hỏi hàng hóa phải có chất lượng cao hơn. Yêu cầu phải có những tác phẩm tên tuổi trên thị trường mỹ thuật mới khứng… Tình trạng cầu nhiều cung ít. Cái này ai cũng hiểu mà! Nhưng của "xịn" đâu có nhiều. Tìm không thấy, đào mãi không ra đành tìm đến những ngài họa sĩ đang thời đói kém, đôi lúc phải đi vẽ bong bóng hay vẽ thiệp chúc mừng trong các dịp lễ hội để kiếm chút cháo cầm hơi… Nay được các thương gia cầu cạnh vinh danh... Xin quý anh ra tay tế độ... Đã được thượng đế thỉnh cầu mở lối cộng với sự đền bù thật hậu hĩnh. Cái oái oăm ở đây! Chỉ tranh lụa thôi nha! Còn sơn dầu là vứt! đem đậy chuồng gà cho nó không toi là tốt nhất… Thế là các ngài họa sĩ nhà ta dương cao cây cọ màu nước mà phất. Ôi! Thời gạo châu củi quế mà tóm được cơ hội kiếm cơm quá nhẹ nhàng lại phù hợp tay nghề nữa thì còn than thở gì… Người người vẽ lụa, nhà nhà vẽ lụa… Ôi thôi! Cơ man nào mà kể… Nhiều người có chút máu mặt nhưng thất cơ lỡ vận, thấy vậy tích cực đi học hoặc cho con tầm sư thu tóm lấy nghề hầu mong có cơ hội phụ giúp gia đình giải quyết khẩu phần đang có phần suy giảm... 

      Đương lúc cao trào! Tranh lụa bản xứ cứ tưởng như không bao giờ bị đột quỵ! thì đùng một phát thằng sơn mài cẩn ốc nhảy vào ngáng chân đòi chia phần. Mới đầu thứ cẩn ốc vốn là tàn dư của bọn tư sản ở miệt Bình Dương bị ứ lại... ngậm bồ hòn làm ngọt vì đã qua thời vàng son... Lâu lâu mới gõ được vài bộ mừng chết đi sông lại... Rất ít người quan tâm vì vừa cồng kềnh lại nặng nề khó vận chuyển nữa. Nhưng trời xui đất khiến ... gặp thời đổi mới! Ay da! Ngành Giao thông vận tải của nhà nước đã hé cửa thông quan… Một số tay Việt kiều nhạy bén có vốn lận lưng bèn thử thời vận. Ôm một mớ sang bán thăm dò... Kết quả không ngờ... và dẫn đến sự thành công rực rỡ. Thế là trúng mánh… Thời tiết còn có lúc thay đổi nữa là huống chi thương trường. Gió đã xoay chiều cái vù... Kẻ nào biết cách tận dụng cơn gió thì con diều sẽ bay cao… Thượng đế đồng thuận cộng thêm thời thế thuận kèo... sơn mài có cơ hội góp mặt… thế là tăng tốc… Miếng mồi béo ngậy dễ gì buông tha… Nhào dzô kiếm ăn bà con ơi!!!

        Trò đời mà! Thấy khoẻn vàng khè rơi giữa đường ai mà bỏ…

        Tôi té vào trường hợp này… Chưa đến nỗi đói nhưng cũng om om… do mới bị văng khỏi làng sách cũ vì nhà nước thấy đám sách cũ ở đường Cá Hấp ẩn chứa nọc độc văn hóa cực kỳ nguy hại có thể làm cho đất nước bị băng hoại nên đã ra tay xúc một mẻ lớn cho gom về một mối ở 117 Lê Lợi. Phường Bến Thành. Quận Nhất. Chuyện xảy ra khá cay cú cho đám dân đen đang khinh doanh sách cũ quang minh chân chính ở đường Đặng thị Nhu này. Giấy phép hả? Có chớ! đích thị có trong tay mảnh giấy do nhà nước sở tại bụp con dấu đỏ lừ hẳn hòi được ép nhựa dẻo treo tòn teng giữa sạp. Thuế má chẳng dám thiếu một cắc nào. Mới chậm thôi! đã đòi cúp phép rồi! Ai dám thiếu chớ?! Không những vậy! Ban Điều hành chợ, đích thị toàn người của chính quyền Thành phố đưa xuống hẳn hoi quản lý trực tiếp, rà soát chìm nổi hàng ngày... Nhưng có vẻ như mấy ổng cũng không tin vào mấy trự trong Ban Điều Hành này nên vào một ngày đẹp trời. Ổng quyết ra tay nhổ cho tiệt hậu hoạn… Hết quan tàn dân. Không chợ... dân tan hàng bay tứ tán… Nỗi buồn mất nồi cơm thật thảm thiết…chẳng khác chi mấy với chuyện bị mất sổ gạo thời bao cấp...

         Có lẽ trời không nỡ hại kẻ lương thiện, nên trước đó ông Tơ bà Nguyệt đã ra tay se chỉ cho tôi gặp được mụ vợ rất ư là hiền dịu, vô cùng đảm đang và chiều chồng hết mức, chấp nhận tất cả những sở thích quái dị của thằng tôi ở thời gạo châu củi quế mà không chút phàn nàn cấm đoán nên thằng tôi mới có cơ hội lăn mình vào những nẻo đường nghệ thuật theo sở thích. với ảo tưởng dùng nó làm phương tiện cứu vớt cái bao tử cho gia đình. Có một tay bạn là nhạc sĩ Nguyên Hồng ở Bình Dương (Không phải ông Nguyên Hồng bự đâu nha!) cứ mỗi lần gặp. Hắn cười toe nhai câu: " Cảm ơn bà chị rất nhiều! Đã can đảm lấy thằng bạn tôi...". Làm bả đần cả người ra vì dzui dzẻ... Đôi khi rảnh rỗi tối thấy hắn nói cũng có lý. Bả can đảm thiệt chứ chẳng chơi đâu... Cảm ơn Thượng Đế đã thương lấy kẻ thất cơ lỡ vận...       

      Mà ông trời cũng hay lắm nha… như có sắp đặt trước vậy đó, nên dẫn dắt cho tôi gặp được vị họa sĩ người Hoa thật tốt bụng có mỹ danh Phùng Thụ Thành … “ Ngộ chỉ cho nị cái này… như chia nửa nồi cơm của ngộ cho nị đó… Ngộ cho nị hay! Người Hoa chỉ dạy nghề cho con trai thôi! Con gái cũng không dạy đó…”. Nhờ thế mà biết chút đỉnh sau này bồi tranh lụa cho họa sĩ Đào Mùi và một vài anh họa sĩ khác nữa, khỏi xin tiền dzợ uống cà-phe mỗi sáng hoặc có khi cùng bạn bè nhậu tí ti cho vui, cũng đỡ tủi cho kẻ làm trai thân dài vai rộng lỡ thời…

       Trở lại câu chuyện. Thấy sơn mài vớ bẫm. Máu kinh doanh nổi lên sau khi thành công trên con đường buôn vàng bán bạc dolla. Họa sĩ Đào Mùi (Không hiểu vì lý do gì sau đổi thành Đào Nguyên. Chẳng lẽ bị họa sĩ Hùng Nhí (Lâm xuân Hùng) gọi là Đào Mào mà đổi? Chàng Hùng Nhí nhà ta có kỹ thuật đánh bóng cực kỳ lợi hại. Ổng làm sao không biết... mặt tranh nó bóng lộn như gương. Khiến các bậc đàn anh Lâm. Thủ và vài vị khác thèm nhỏ dãi. Hỏi bí quyết!? Hùng ta chỉ nhe răng cười... Mà cũng dễ hiểu thôi! miếng cơm manh áo, lại gặp phải thời thóc cao gạo kém. HTX bán chỉ có chừng mà đòi chia sẻ...ai chịu... phải hông...). Trở lại chuyện họa sĩ Đào Nguyên được vợ hỗ trợ tài chánh mở xưởng làm sơn mài tại nhà hầu mong hốt bặm để đắp thêm vào đụn vốn sẵn có của bả, hoặc giả để tăng thêm nguồn tài lực mà phục vụ chui lủi cho nhu cầu mua đi bán lại với khách hàng. 

     Khi Mùi ta được dzợ bật đèn xanh bèn mạnh dạn vung tay loa mời gọi một số anh em họa sĩ thất bát nhào dzô phụ lực… Chỉ có mỗi tui là tay ngang do mối quan hệ thường xuyên bồi tranh lụa cho ổng mà được ưu ái. nhận dzô làm cho dzui mà lại còn được trả thêm tiền công sức tượng trưng nữa! Thế mới đã… Vạn sự khởi đầu nan… Có chút đầu óc nhạy bén thì cũng làm được thôi… mặc dù chậm vì chưa quen, cũng may là da dày nên sơn không bắt mặt… có trự đụng dzô phù cả người đành phải văng ra đứng ngó…

       Làm ở nhà Đào Mùi hơi chật mặc dù nhà mấy tầng, lại ở mãi bên Thị Nghè. Nên Mùi ta thương lượng với hoa sĩ Mai văn Tố, Có nhà ở khu Đồng Tiến phía sau chua Lâm Tế đường Nguyễn Trãi. Quận 1. Sau sự đồng thuận. Lấy khu vườn phía sau nhà họa sĩ Tố làm xưởng nên cũng khá thoải mái không đến nỗi o ép như khi ở nhà Đào Mùi... Thỉnh thoảng có các họa sĩ tài danh như: Hồ hữu Thủ, Nguyễn Lâm, Hồ hoàng Đài, Thu “mát” (Điêu khắc gia Nguyễn thanh Thu) … v..v… ghé chơi thăm dòm sự thể.

      Chuyện vừa học vừa làm lại có thêm tí tiền dằn túi nghĩ cũng vui vui. Hễ ông chủ Đào Mùi giao tấm nào, bộ mấy tấm cũng không hề từ nan, miễn có dessin sẵn trên vóc là quất thôi! Màu sắc trong tranh tùy nghi do tôi tự quyết tất tần tật từ A tới Z thày Đào không hề quan tâm. Mà cũng không hiểu sao!? Các vị họa sĩ có đến dăm bảy ông mà ông chủ Mùi cứ giao cho tui mầm... đến lạ! Nhưng cũng chả sao! làm nhiều nâng tay nghề lo gì... Đi làm mướn. Vừa được học lại có thêm tiền nữa ngại chi. Càng nhiều càng tốt... Cứ thế mà trôi qua.

     Cho đến một hôm! Hai đại ca Thủ và Lâm đến chơi.  Khi đó tôi đang cắm cúi thực hiện việc dán lớp bạc lên thân chiếc áo dài cho bức tranh "Thánh thiện" nêu trên. Đây cũng là bức sơn mài đầu tiên của bản thân sau thời gian làm công có lương. Toàn bộ vật tư để thực hiện đều do họa sĩ Đào Mùi cung cấp không giới hạn. Hôm đó Họa sĩ Nguyễn Lâm đến chơi, đứng chắp tay sau đít ngó tôi làm, không nói gì. Một lúc sau ông buột miệng hỏi: “Dán làm chi vậy?”. Tôi trả lời: “Dạ! Dán rồi vẽ lên để lấy độ óng ánh của lớp bạc ở bên dưới”. Ông Lâm cười mím chi, nhẹ nhàng nói: “Coi chừng à ngheng!”. Tôi có hỏi tại sao. Nhưng không thấy câu trả lời từ phía ông Lâm, cho dù tôi lập lại đôi ba lần câu hỏi đó trước khi ông bước vào trong nhà họa sĩ Tố xem mấy người bạn họa sĩ đang làm việc…

      Một câu nói gây ấn tượng mạnh mà không có câu trả lời khiến tôi trăn trở không rõ chuyện gì suốt thời gian ủ khô cho bức tranh… Cho đến hôm đem ra mài mới vỡ lẽ… Khi chưa mài đi lớp sơn phủ thì mặt tranh với sự kết dính thành một mảng lớn nên vẫn bình thường không sao. Nhưng khi mài bóc đi lớp sơn phủ. Lớp sơn vẽ với bề mặt khá rộng lộ lên tác động với khí hậu bên ngoài khiến cho sự liên kết thành mảng bị suy giảm mạnh dẫn đến toàn bộ lớp sơn vẽ dặm trên mặt lớp bạc bị co xoắn lại… nhả khỏi tấm vóc dộp lam nham từng mảng lớn nhỏ không đều trông thật thê thảm… (May sao lớp bạc dán nơi con cá chép hóa rồng phía sau không bị dộp...). Phải mài xả nơi phần thân áo dài thôi! Nhìn lớp bạc óng ánh lợn cợn trôi trôi theo làn nước ... Công và của đem đổ xuống cống. Coi như xong...

     Sau thất bại ngồi ngẫm lại câu nói của họa sĩ Nguyễn Lâm mà chiêm nghiệm. Mới biết là… Muốn vẽ lên lớp bạc như vậy thì phải ủ sao cho lớp bạc ăn chết vào vóc rồi mới được vẽ tiếp lên. Nếu lớp sơn lót chân chưa đủ độ khô thì sự kết dính sẽ không cao dẫn đến hậu quả khi mài lấy bớt đi lớp sơn phủ, mặt sơn vẽ trên lớp bạc khi hở ra bị hơi nóng trong không khí tác động vào làm cho co rút kéo luôn cả lớp bạc chỗ nào kết dính với mặt vóc kém sẽ dớm lên gây nên hư hỏng lam nham tùng chỗ rất khó coi…   Muốn được như ý thì khi dán bạc lên mặt vóc với diện tích lớn phải được ủ một thời gian như thế nào đó cho đúng tầm đẻ cho hai lớp kết dính chết với nhau rồi mới vẽ lên mới tránh được việc hư hại xảy đến.

      Quả thật lúc đó mà ông Lâm có lời giải thích căn kẽ thì tôi đã tránh được chuyện này vì lúc đó đang thực hiện ở giai đoạn đầu chưa vẽ lên... và cứ tưởng ủ trong vòng 48 tiếng như binhg thường sẽ khô hết, rồi vẽ lên sẽ không sao. Đâu có biết là khi dán bạc lên một diện tích lớn, độ thoát hơi bị hạn chế rất nhiều nên khó mà khô trong một thời gian ngắn. Muốn đạt được hiệu quả. Nó đòi hỏi phải có một thời gian tương ứng. Bởi vậy có đạp gai mới biết nỗi đau như thế nào. Chắc có lẽ ông Lâm muốn tôi trải nghiệm thực tế làm bài học nhớ đời…mà thiệt! Nhớ tới giờ luôn! Mỗi khi nhìn thấy bức tranh là thấy ổng liền... Có thể ông Lâm cho rằng có nói ngay lúc đó chưa chắc tôi đã hiểu và nghe theo… Một kinh nghiệm quý báu mà tôi không bao giờ có cơ hội thực hiện lại để rút kinh nghiệm vì có hành nghề vẽ đâu mà làm với không làm… Mục đích chỉ học cho biết thôi mà...

Cauminhngoc

02/4/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét